Hiện có khoảng 6.000 nông dân, chủ yếu là người Bỉ, Pháp và Đức đã xuống đường phản đối trước trụ sở Hội đồng EU ở thủ đô Brussels – Bỉ và yêu cầu được hỗ trợ.
Nghiệp đoàn nông nghiệp Copa-Cogeca cho biết, các nhà sản xuất nông sản EU khẳng định họ bị thiệt hại khoảng 6,13 tỉ USD. Đơn cử như, tại Bỉ, 1 lít sữa chỉ có giá 25 cent, trong khi chi phí sản xuất chưa kể nhân công là 33 cent/lít. Các nhà chăn nuôi lợn cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, giá 1 kg thịt lợn tại lò mổ chỉ khoảng 1 euro, trong khi chi phí lên đến 1,3 euro, thậm chí 1,5 euro. Đây là nguyên nhân khiến số lượng các nhà chăn nuôi lợn ở Bỉ giảm sút. Rất có thể cuộc khủng hoảng này sẽ không chỉ dừng lại ở những quốc gia kể trên mà sẽ nhanh chóng lan rộng ra trên toàn Châu Âu.
Bốn nguyên nhân
Có bốn nguyên nhân dẫn tới thực tế trên trong đó bao gồm cả chủ quan và khách quan. Thứ nhất, liên quan đến chính sách Nông nghiệp chung Châu Âu. Trên thực tế, chính sách này không phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không công bằng cho nền nông nghiệp ở những nước nghèo.
|
Tỷ trọng các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu năm 2014 |
Đặc biệt, các khoản hỗ trợ cho nông dân là quá tốn kém khi nuốt chửng gần một nửa ngân sách của Liên minh Châu Âu. Từ thực tế đó, EU phải quyết định bãi bỏ hạn ngạch cùng các quy định về đảm bảo giá và thay thế chúng bằng hỗ trợ thu nhập. Quyết định này khiến các nhà sản xuất nông sản lớn ở Châu Âu như Hà Lan, Đức hay Đan Mạch phải đẩy mạnh sản xuất để có lợi nhuận. Nông dân Pháp, Bỉ cũng như một số nước Tây Âu bỗng chốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương trước các va đập của thị trường.
Thứ hai là từ những bất cập trong chính sách nông nghiệp của một số nước thành viên. Ví dụ như Pháp. Chi phí lao động ở đây cao hơn so với các nước láng giềng, bởi quy mô chăn nuôi nhỏ. Quy mô sản xuất chính là lý do giải thích vì sao thu nhập bình quân của nông dân pháp chỉ tăng 6% trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2014 trong khi con số này là 34% tại các nước EU.
Thứ ba là là do Châu Âu đang chịu hậu quả của lệnh cấm vận mà Nga áp dụng từ 1 năm qua liên quan đến thực phẩm có nguồn gốc từ EU. Do không thể xuất khẩu các sản phẩm sang Nga, thị trường nông sản Châu Âu đứng trước bài toán cung vượt cầu. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến nông sản của một số nước EU bị ngưng trệ thời gian qua.
Thứ tư, là trong suốt thời gian qua, hoạt động xuất khẩu trên thị trường nông sản thế giới bị ngừng đột ngột, trong khi thị trường sữa đã phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là nhu cầu về sữa bột tại thị trường Trung Quốc đột nhiên giảm xuống một nửa do kinh tế suy giảm.Điều này khiến các nhà sản xuất nông nghiệp lớn như Đức, Hà Lan hay Phần Lan buộc phải tung các sản phẩm tiêu thụ ngay tại chính thị trường EU, dẫn đến giá nhiều mặt hàng nông phẩm đã thấp nay càng thấp thêm. Và tất nhiên, những nền nông nghiệp nhỏ hơn như Pháp, Bỉ sẽ bị thiệt thòi trong cuộc cạnh tranh giá cả.
Nhìn vào trực diện vấn đề có thể thấy, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng nông sản này, không ai khác chính là người tiêu dùng Châu Âu. Bởi giá thực phẩm không tăng, thậm chí giảm trong suốt 1 năm qua, cộng thêm giá nhiên liệu giảm đều đã khiến cho lạm phát của cả Châu Âu chỉ xấp xỉ mức 0,3% trong năm 2015 – thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 2% mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) mong đợi.
Cuộc khủng hoảng thừa nông sản tại các quốc gia này là hiện hữu nhưng phải khẳng định rằng, EU là khu vực có những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất cho nền nông nghiệp và nông dân.
Cơ hội để VN nhìn lại
Với EU thì ngành nông nghiệp là một ngành cần được bảo hộ chặt chẽ vì nhiều lí do. Song đây lại là một thị trường rộng lớn có nhu cầu rất phong phú và đa dạng về hàng hoá nói chung và hàng nông sản nói riêng. Trong đề án phát triển xuất khẩu nông sản, VN cũng đã xác định EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản.
Tuy vậy, EU lại là thị trường khó tính và cực kỳ khó xâm nhập, không chỉ vì sự cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác mà còn vì thị hiếu tiêu dùng khắt khe, kênh phân phối phức tạp, và đặc biệt là có chính sách bảo hộ rất chặt chẽ đối với nông sản nhập khẩu, không chỉ trợ cấp lớn cho nông nghiệp mà còn có rất nhiều quy định ngặt nghèo. Hơn nữa, trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa nông sản như hiện nay, cũng là một dịp để VN có cách nhìn nhận lại về định hướng cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa nông sản như hiện nay, cũng là một dịp để VN có cách nhìn nhận lại về định hướng cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Về cơ bản, trong thị trường nông sản đều có những nét bổ sung cho nhau, nghĩa là họ có thế mạnh về mặt hàng này nhưng lại không có thế mạnh về mặt hàng kia. Hiện tại, các sản phẩm chủ yếu mà EU đang dư thừa và bị nông dân ném ra đường bao gồm: trứng, sữa, thịt. Còn đối với mặt hàng cà phê, hiện nay, việc tiêu thụ cà phê ở nhiều nước thuộc khối EU đã bão hòa nên nhu cầu nhập khẩu không nhiều như trước, yêu cầu về sản phẩm cà phê chất lượng cao và sản xuất bền vững ngày càng gay gắt hơn.
Như vậy, không có lý do gì VN lại vẫn “nhắm mắt” để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng này mà phải tìm ra được những gì mà họ đang thiếu và rất cần. Trong đó, các loại rau quả nhiệt đới của VN hiện rất được ưa chuộng trên thị trường này như: cà chua, đậu, hành tây và hẹ tây, măng tây, đậu Hà Lan, tỏi, vải thiều, xoài, ổi, mãng cầu…
Mặt khác, thực tế, cuộc “cách mạng xanh” sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã làm tăng năng suất trong nông nghiệp của các nước. Thế nhưng, xu hướng tiêu thụ lúa gạo đã thay đổi. Thu nhập cao hơn thì người dân lại tiêu thụ lúa gạo ít đi, lúa gạo trở thành một phần nhỏ trong khẩu phần năng lượng mặc dù họ đòi hỏi chất lượng lúa gạo tăng lên. Như vậy, với xu hướng trong tương lai gần, nhu cầu về tiêu thụ gạo sẽ giảm. Hiện tại, nhiều quốc gia sản xuất lúa trong đó có VN lại vẫn đang tiếp tục phải tăng năng suất để đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ. Điều đó dẫn đến thị trường xuất khẩu lúa gạo sẽ giảm mạnh. Đây là mối đe dọa lớn đối với các quốc gia sản xuất lúa gạo và VN cũng không ngoại lệ.
Cũng xin lưu ý rằng, với những DN mới bắt đầu giao thương vào thị trường EU, thì việc tìm kiếm cho mình các nhà môi giới và các đại lý tại các nước Châu Âu là điều cần thiết để tiện cho việc trao đổi mua bán và giảm bớt rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của các đại lý đang giảm đáng kể do thông tin về thị trường này đã công khai trên mạng internet. Việc tìm kiếm các nhà tư vấn độc lập có vẻ hiệu quả hơn cho các DN xuất khẩu. Đáng lưu ý khác là các DN VN nên tiếp tục sử dụng đồng USD làm đồng tiền thanh toán trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của mình để tránh nguy cơ mất giá của đồng EUR.
Theo PGS TS Nguyễn Hà An
Viện trưởng viện nghiên cứu Châu Âu
DĐDN