Bộ NN&PTNT cho biết trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 53 tỷ USD, thực hiện đươc 96,3% kế hoạch Thủ tướng giao hồi đầu năm. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.
Dựa theo diễn biến thị trường, các chuyên gia dự báo mặt hàng gạo và rau quả vẫn còn cơ hội tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể về đích với kỷ lục 5,5-5,8 tỷ USD, tăng 80-90% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Ông Nguyên kỳ vọng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân sẽ mở rộng hơn về mặt hàng, quy mô, thị phần.
“Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 15 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây. Thị phần của Việt Nam năm nay dự kiến khoảng 25-30%, chỉ sau Thái Lan và Chile.
Trong tương lai, quy mô thị trường này có thể nhân lên gấp đôi, tương ứng 30 tỷ USD. Do vậy, cơ hội của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều nếu Trung Quốc mở cửa thêm cho Việt Nam các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, bưởi da xanh…”, ông Nguyên nhận định.
Còn với ngành lương thực, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng trong thời gian tới, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn.
Trong khi đó, lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Ông Hòa nhấn mạnh đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Thị trường lúa gạo thế giới đang chuyển sang xu hướng sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh. Do vậy, ông Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.
“Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hòa nói.
Ngược chiều với nhóm nông sản, một số ngành chủ lực khác như thủy sản, lâm sản lại tăng trưởng âm trong năm 2023.
Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Còn theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2023 ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022. Với kết quả này, ngành gỗ mới thực hiện được khoảng 77% mục tiêu 17,5 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành.
"Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023.
Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải", ông Đỗ Xuân Lập nhận định.