Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 tiếp tục khởi sắc khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm làm giảm cầu thế giới trong 8 tháng năm 2023 nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8 tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 8 với kim ngạch ước đạt 27,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với tháng trước và chiếm 85,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bộ Công Thương đánh giá, điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%). Tính chung 8 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ giảm 2,5% so với mức giảm 9,3% của khu vực FDI (kể cả dầu thô).
Điều này một mặt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng một mặt cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,25 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,2%.
Một trong những điểm tích cực trong tháng 8 đó là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, cụ thể, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước và chiếm 89,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều tăng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 8 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,65 tỷ USD, tăng 2,2%; vải các loại đạt 1 tỷ USD, tăng 2,8%; xăng dầu tăng 45%, ước đạt 1,05 tỷ USD...
Theo Bộ Công Thương, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục xuất siêu khoảng 3,82 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 8 tháng năm 2023 là 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.

Nguồn: Haiquanonline