Doanh nghiệp sắp hết nguyên liệu, nguy cơ dừng sản xuất
Thông tin từ
thanhnien.vn, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất trong khoảng 1 tháng nữa, còn khối da dày, dệt may cũng chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đủ cho sản xuất tới đầu tháng 4.
Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết nguy cơ nhiều doanh nghiệp trong 1 - 2 tháng tới phải dừng sản xuất do nguồn nguyên phụ liệu dự trữ sắp hết trong khi việc nhập hàng rất khó khăn.
Các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19, thậm chí nhiều doanh nghiệp đối mặt với việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu. Nguyên do là bởi hiện nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc thì đều là nước có dịch căng thẳng, dẫn đến việc nhập hàng khó khăn.
Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc. Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên, những quốc gia này hoặc đang bùng phát (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) hoặc phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam. Tính toán của Cục Công nghiệp cho thấy, đến khoảng cuối tháng 3, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.
Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn trước dịch COVID-19
Thông tin từ
moit.gov.vn, ngày 24/02/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh có công văn số 1182 gửi Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh COVID-19.
Bộ Công Thương trân trọng đề nghị Bộ Giao thông vận tải:
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần của công văn số 808/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
- Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng tại khu vực biên giới.
- Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay... làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.
- Phối hợp chặt chẽ và thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương về các công tác triển khai ứng phó với dịch bệnh của quý Bộ có khả năng gây tác động đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bộ Công Thương: Nỗ lực chuyển hướng cho hoạt động xuất khẩu nông sản
Theo
congthuong.vn, dịch bệnh Covid-19 đã khiến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng đã cho phép tiếp tục xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam (Lạng Sơn) và lối mở Km3+4 (Móng Cái, Quảng Ninh).
Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tìm hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong đó, khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời hiện tại để tránh dư nguồn cung lớn, xem xét chuyển sang sản xuất các loại nông sản dễ tiêu thụ hơn. Khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới khi tình hình thông quan hàng hóa còn khó khăn do dịch Covid-19 tác động, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, hoặc đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ động liên hệ, đàm phán với đối tác phía Trung Quốc để chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, chủ động áp dụng các biện pháp dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ đầy đủ các qui định về kiểm dịch, mẫu mã, bao bì... Vì đây là phương thức xuất khẩu văn minh, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo được tính ổn định, lâu dài.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tham gia tìm kiếm, giới thiệu khách hàng mới cho các mặt hàng nông sản, trái cây… của Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương, ưu tiên giải quyết thủ tục cấp “Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi” cho các lô hàng xuất khẩu chính ngạch. Khuyến nghị các nhà sản xuất, xuất khẩu… phải chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) và các yêu cầu có liên quan khác nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn hàng hóa đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu, qua đó tạo thuận lợi cho các bộ, ngành liên quan thực hiện công tác tìm kiếm, mở thị trường, chuyển hướng xuất khẩu nông sản một cách hiệu quả, kịp thời, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc./.
Cặp chợ cư dân biên giới Hoành Mô - Động Trung được thông quan trở lại
Theo
congthuong.vn, từ ngày 26/2/2020, cặp chợ cư dân biên giới Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh, Việt Nam) - Động Trung (Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc) đã chính thức khôi phục việc thông quan hàng hóa.
Trước đó, ngày 24/2, UBND huyện Bình Liêu và chính quyền nhân dân khu Phòng Thành đã có buổi hội đàm tại trấn Động Trung (Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc), nhằm phối hợp tìm giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Chủng loại hàng hóa được thông quan bước đầu là các mặt hàng hải sản, nông lâm sản… và sẽ được áp dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường, hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định của hai bên, tránh để hàng hóa tồn đọng. Sau khi hoạt động thông quan ổn định, hai bên căn cứ tình hình thực tế để mở rộng chủng loại mặt hàng phù hợp. Hiện tại mới chỉ có hàng nhập khẩu từ bên Trung Quốc về, hàng xuất vẫn chưa đi được vì bên phía Trung Quốc vẫn chưa có phương án về phương tiện.
Từ ngày 1/1-25/2, kim ngạch hàng hóa XNK qua cửa khẩu Hoành Mô đạt 3,89 triệu USD (giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019); số thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 9 tỷ đồng (giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019).
Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Mỹ, EU
Theo
vietnambiz.vn, xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỉ USD, giảm 1,7% so năm 2018 do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 13%. Thị trường này đã đưa ra nhiều rào cản mới về chất lượng, nhãn mác buộc các doanh nghiệp trong nước phải xuất khẩu qua đường chính ngạch. Thêm vào đó, từ đầu năm 2020 tới nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua thị trường chính là Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ Công Thương thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên sau kì nghỉ tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 khiến các cửa khẩu biên giới tạm thời đóng cửa.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam, chia sẻ bình quân mỗi tháng rau quả Việt xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 200 triệu USD. Nhưng thị trường này sụt giảm nên doanh nghiệp trong ngành đang tính đến các giải pháp tiêu thụ ở nội địa, đồng thời tiềm kiếm đối tác với những thị trường mới. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu qua những thị trường mới, tiềm năng như Thái Lan, Mỹ, EU… để giảm áp lực do thị trường Trung Quốc.