Tuy nhiên, đến ngày 19/8/2015 NHNN tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng (1%) đồng thời với mở rộng biên độ giao dịch (thêm +/-1%), cho dù tỷ giá NDT đã ổn định và chỉ tăng nhẹ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng rằng đợt điều chỉnh tỷ giá này đã thể hiện tính chủ động, giúp Việt Nam giành thế chủ động trước những biến động có thể xảy ra.
Phân tích cụ thể hơn, bà Ngọc cho rằng nhiều khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 tới. Do đó, sự điều chỉnh mang tính chất đón đầu đủ lớn này sẽ tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Tăng tỷ giá cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với hàng nhập khẩu, thì việc tăng tỷ giá chắc chắn sẽ tác động đến giá cả của các mặt hàng này. Song theo phân tích của đại diện Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN sẽ không có tác động mạnh lắm đến lạm phát.
Cũng bởi, hiện nay lạm phát đang ở mức thấp do yếu tố chi phí đẩy như giá xăng dầu giảm mạnh. Dẫn tới, CPI so với tháng 12 năm trước hiện vẫn đang ở mức tăng dưới 1% và so với bình quân năm trước cũng đang ở mức dưới 1%.
Do đó, với ước tính qua bảng cân đối liên ngành, Tổng cục Thống kê cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá ngày 19/8/2015 vừa qua có thể tác động đến CPI chung cả nước tăng khoảng 0,3%.
Mặc dù tỷ giá tăng nhưng các yếu tố chi phí đầu vào khác như xăng dầu lại giảm khá mạnh, cùng với sự cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc.
“Giá cả hàng hóa sẽ khó có thể trở nên đắt đỏ. Theo tôi mặt bằng giá cả trong nước sẽ không có biến động lớn”, bà Ngọc nhận định.
Hiện sức mua của người dân trong 7 tháng đầu năm 2015 vẫn tăng khá tốt thông qua chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm, sau khi loại trừ yếu tố giá tăng ở mức khá cao 8,97% so với cùng kỳ năm trước.
Theo An Ngọc
Trí thức trẻ