Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.090 VND/USD (giảm 18 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.050 VND/USD (không đổi).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.520 đồng/USD và bán ra 23.570 đồng/USD, giá mua tăng 70 đồng và giá bán tăng 40 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 11/2/2022
ĐVT: đ/USD
Tỷ giá USD thế giới tăng
USD Index tăng 0,18% lên 95,668 ghi nhận lúc 06h40 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,11% xuống 1,1414. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% xuống 1,3552. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,03% lên 116,05.
Theo Reuters, tỷ giá USD tăng so với các đồng tiền chủ chốt khác sau khi báo cáo chỉ ra giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1 cao hơn dự kiến. Tuy nhiên sau đó đà tăng của đồng bạc xanh chững lại trong bối cảnh các thị trường kỳ vọng những ngân hàng trung ương lớn sẽ theo chân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lại lạm phát.
Ngày 10/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,6% so với tháng 12/2021, trong khi CPI 12 tháng tính đến tháng 1/2022 tăng 7,5% - mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái kể từ tháng 2/1982. Dữ liệu trên cũng đã đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp mức tăng CPI hàng năm vượt quá 6% khiến USD Index tăng gần 0,5%.
Sau khi báo cáo CPI được công bố, tỷ giá USD tăng vọt cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm đã tăng 15,5 điểm cơ bản lên 1,503%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên đạt mức 2% sau hai năm rưỡi.
Bên cạnh đó, động lực cho đồng bạc xanh gần đây chính là triển vọng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ khi cơ quan này nhóm họp vào tháng 3, trong đó nhiều khả năng lãi suất sẽ tăng 25 hoặc 50 điểm cơ bản.
Trước đó, tại châu Âu, ngân hàng trung ương Thụy Điển quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ và nhấn mạnh quan điểm lạm phát gia tăng chỉ là tạm thời. Lập trường ôn hòa của ngân hàng này đã giúp đồng bạc xanh đạt mức tăng lớn nhất trong số các đồng tiền chủ chốt, có thời điểm tăng 1,9% so với đồng krona Thụy Điển.
Mặc dù vậy, đồng bạc xanh cũng gặp trở ngại khi giới đầu tư nhận định các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sẽ bắt kịp Fed trong việc chống lại lạm phát đang gia tăng trên diện rộng.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, lưu ý dữ liệu CPI cho thấy áp lực tăng giá đang là câu chuyện toàn cầu, nhiều nền kinh tế lớn đang trở nên tích cực hơn trong việc giải quyết lạm phát.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã khiến các nhà giao dịch bất ngờ khi mở ra khả năng tăng lãi suất trong năm nay, đẩy đồng euro lên mức cao nhất trong 3 tuần là 1,1483 USD. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết sẽ can thiệp vào thị trường bằng cách đề nghị mua không giới hạn trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm với mức 0,25%.