Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.237 VND/USD (tăng 15 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.400 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Tỷ giá USD hôm nay tăng giảm không đều tại các ngân hàng, Ngân hàng Á Châu tăng 10 đồng giá mua nhưng không đổi giá bán ở mức 23.280 – 23.750 VND/USD. DongA bank không đổi cả giá mua và giá bán ở mức 23.320 – 23.570 VND/USD.
Vietcombank tăng 5 đồng cả hai chiều mua bán lên mức 23.240 – 23.550 VND/USD, VPBank không đổi cả giá mua và giá bán ở mức 23.280 – 23.550 VND/USD. Ngân hàng SCB giảm 150 đồng giá mua nhưng tăng 555 đồng giá bán lên mức 23.110 – 23.260 VND/USD.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.110 – 23.320 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.260 – 23.750 VND/USD. Trong đó, Ngân hàng Đông Á có giá mua USD cao nhất và ngân hàng SCB có giá bán USD thấp nhất.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 24.070 đồng/USD và bán ra 24.120 đồng/USD, giá mua tăng 50 đồng và giá bán không đổi so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 23/8/2022
ĐVT: đ/USD
USD quốc tế tăng mạnh
USD Index hiện ở mức 109,05 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam), đạt mức cao mới trong 5 tuần. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,07% ở mức 0,9936. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,06% ở mức 1,1761. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,1% ở mức 137,65.
Theo Investing, đồng USD tiếp tục mạnh lên khi các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro hơn trong bối cảnh ngày càng lo ngại rằng việc tăng lãi suất ở Mỹ nhằm mục đích kiềm chế lạm phát và áp lực ngày càng lớn của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
Đồng bạc xanh đã được hỗ trợ trong những phiên gần đây khi một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại về lập trường thắt chặt tiền tệ tích cực của cơ quan này trước hội nghị chuyên đề Jackson Hole trong tuần này. Đóng góp vào quan điểm “diều hâu” chung dạo gần đây, người mới nhất là Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin vào hôm thứ 6 tuần trước đã chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương đang bị thôi thúc hướng tới việc tăng lãi suất nhanh hơn.
Michael Brown, chuyên gia thị trường tại Caxton cho rằng các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng một thông điệp "diều hâu" rõ ràng từ Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole vào thứ 6 tới để đồng bạc xanh có đà lên cao hơn, đặc biệt là khi lo ngại về tăng trưởng ở châu Âu đang gia tăng.
Đồng euro đang suy yếu quanh mức thấp nhất trong 5 tuần do bị đè nặng bởi lo ngại rằng việc ngừng cung cấp khí đốt ở châu Âu trong 3 ngày cuối tháng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực này.
Chris Turner, chuyên gia thị trường toàn cầu của ING cho biết giá trị hợp lý của đồng euro đã bị “phá hủy” bởi cú sốc năng lượng, càng củng cố mức “rẻ” của đồng tiền chung so với USD.
Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel nói với tờ Rheinischen Post của Đức rằng nền kinh tế Đức, một trong những nền kinh tế chịu nhiều gián đoạn nhất trong nguồn cung cấp khí đốt của Nga có khả năng sẽ gặp suy thoái trong mùa đông nếu cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục sâu sắc hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi suy thoái ở Đức vì lạm phát sẽ ở mức cao đến "khó chịu" tới năm 2023.
Thị trường tiền tệ hiện đang đặt cược 46,5% cho một đợt tăng lãi suất cơ bản 75 điểm tại cuộc họp tiếp theo của Fed vào ngày 21/9. Các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters lại nghiêng về mức tăng 50 điểm cơ bản hơn với việc cân nhắc rủi ro suy thoái đang gia tăng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trong thời gian ngắn đã tăng trên 3% lần đầu tiên vào hôm qua kể từ ngày 21/7. Khi lợi suất đạt mức cao, đồng bạc xanh sẽ giảm một chút so với đồng yen Nhật dù trước đó đồng USD đã đạt mức cao nhất so với đồng yen kể từ ngày 27/7.
Đồng USD cũng tăng cao so với nhân dân tệ lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm như dự kiến trước đó. Điều này xảy ra sau khi cơ quan này nới lỏng các tiêu chuẩn vay khác.