Tận dụng cơ hội từ các FTA
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% được dự báo gặp không ít khó khăn, thách thức khi kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đã không cán đích đặt ra.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2023, mặc dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp dần trong nửa sau của năm nhưng về cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, không đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6%.
Năm 2024, áp lực bên ngoài đối với hoạt động xuất khẩu được dự báo đến từ cả 3 kênh: kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu; kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới; kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
Tuy vậy, theo nhận định của Bộ Công Thương, cùng với việc khai thác tốt các FTA hiện có, việc kết thúc đàm phán, triển khai các FTA với các thị trường mới như Israel, UAE sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Quan hệ chính trị tốt đẹp, được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU là tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng.
Hiện nay nhiều ngành hàng đã đặt ra định hướng, mục tiêu xuất khẩu năm 2024.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, hướng đến một năm 2024 cùng hy vọng phục hồi, với dự báo về sự “ấm dần” của thị trường. Mục tiêu đặt ra và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam 2023 nhận định, năm 2024 ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn, do đó, về tổng thể, dự báo, ngành gỗ có tăng trưởng chậm nhưng không nhiều, khoảng 10 - 12% so với những quý cuối năm 2023. Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Đa dạng hóa thị trường
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, bước sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục.
Ở góc độ thị trường, theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, các FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ giúp Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi để hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu, châu Mỹ phục hồi khả quan.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như: cơ chế điều chỉnh carbon, quy định chống phá rừng châu Âu... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nước.
Do đó, để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023 cần tập trung nhiều giải pháp từ góc độ cơ quan quản lý tới cộng đồng doanh nghiệp. Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2024 sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Đồng thời xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu; tiếp tục thúc đẩy chuyển nhanh, mạnh sang thương mại chính ngạch. Song song đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.

Nguồn: Haiquanonline