6 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD
Kết quả đạt được của hoạt động xuất nhập khẩu những tháng vừa qua là sự khởi đầu hết sức ấn tượng trong những năm gần đây. Đáng chú ý, điều này có được trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và cả nước đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép.
Với tổng kim ngạch gần 234 tỷ USD, tính bình quân hơn 4 tháng đầu năm, mỗi tháng xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 52 tỷ USD. Nếu có được mức bình quân này trong cả năm, năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt hơn 624 tỷ USD.
Sự khởi sắc diễn ra đồng đều ở cả xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là những ngành hàng, địa phương trọng điểm tiếp tục có mức tăng trưởng cao, là động lực thúc đẩy hoạt động ngoại thương của cả nước.
Trước tiên, ở lĩnh vực xuất khẩu, từ đầu năm đến 15/5 đạt 116,8 tỷ USD, tăng 30,9% tương ứng tăng 27,57 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, cả nước có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may (tăng thêm 2 nhóm so với cùng kỳ 2020).
2 nhóm hàng mới đạt được cột mốc này là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Trong đó, máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,34 tỷ USD là nhóm hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất của “top 4” nhóm hàng chủ lực.
Cụ thể, so với cùng kỳ 2020, kim ngạch của nhóm hàng này tăng tới 77% (tương đương con số tăng thêm 5,8 tỷ USD). Với tốc độ tăng trưởng cao và quy mô kim ngạch lớn nên máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đã vượt dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Đối với dệt may, từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch đạt 10,79 tỷ USD, tăng 12,9% tương đương 1,23 tỷ USD. Dù thấp hơn so với nhóm hàng máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhưng đây là con số tăng thêm khá ấn tượng của dệt may bởi cả năm 2020 ngành hàng chủ lực này gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng âm 9,2%.
Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, 2 vị trí đầu tiên và giữ ổn định như vài năm gần đây với điện thoại và linh kiện đứng số một; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ở vị trí tiếp sau.
Đến 15/5, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 19,92 tỷ USD, tăng 21,5% (tương đương kim ngạch tăng thêm 3,52 tỷ USD). Trong khi đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao 30% tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 4 tỷ USD.
Hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã có mặt hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực ASEAN vẫn là những thị trường chủ đạo.
Ở chiều nhập khẩu, đến 15/5, tổng kim ngạch đạt 117,15 tỷ USD, tăng 34% (tương ứng tăng 29,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, tương đương số lượng cùng kỳ năm ngoái và cũng là 2 cái tên quen thuộc gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Tuy nhiên, kim ngạch tăng thêm của cả 2 nhóm đều ở mức cao.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24,94 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ 2020 (tương đương con số tăng thêm 5,2 tỷ USD). Đây cũng là nhóm hàng đầu tiên (kể cả xuất khẩu và nhập khẩu) đạt cột mốc 20 tỷ USD tính đến thời điểm 15/5.
Máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,85 tỷ USD tăng 33,94% (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,27 tỷ USD).
Thị trường nhập khẩu hàng hóa của 2 nhóm hàng trên chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bắc Giang vươn lên mạnh mẽ
Ngoài điểm nhấn liên quan đến ngành hàng, không thể không nhắc đến vai trò động lực của các địa phương trọng điểm về xuất nhập khẩu.
Hết tháng 4, có 8 tỉnh, thành đạt quy mô kinh ngạch từ 10 tỷ USD trở lên và nằm ở vùng kinh tế trọng điểm 2 đầu đất nước là: Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang ở khu vực phía Bắc và TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam.
Trong các địa phương nêu trên, hầu hết là những tên tuổi quen thuộc từ nhiều năm qua. Điểm nhấn đáng chú ý là sự vươn lên của Bắc Giang. Gần đây, Bắc Giang là cái tên thu hút sự chú ý của dư luận khi là “điểm nóng nhất” của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện ở Việt Nam (từ cuối tháng 4), dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận 4 tháng đầu năm, trong 8 địa phương trọng điểm, Bắc Giang là cái tên tăng trưởng ấn tượng nhất.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của địa phương này đạt 5,1 tỷ USD, tăng tới 82% so với cùng kỳ 2020 (tương đương con số tăng thêm 2,3 tỷ USD). Trong khi nhập khẩu là 5,2 tỷ USD, tăng 85,7% (tương đương 2,4 tỷ USD).
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của địa phương là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha… Hàng hóa xuất khẩu là dệt may, da giày; máy tính, sản phẩm điện tử; điện thoại và linh kiện các loại; thiết bị điện; sản phẩm từ chất dẻo...
Ở chiều nhập khẩu, thị trường lớn nhất cũng là Trung Quốc. Tiếp đến là các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu (nguyên phụ liệu may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, máy móc thiết bị...).
Đang trên đà tăng trưởng cao nhưng từ tháng 5, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Bắc Giang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt các ổ dịch xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động chủ yếu về xuất nhập khẩu như Công ty Hosiden; Công ty Luxshare; Công ty Newwing; Công ty Shin Young...
Dù bị tác động không nhỏ nhưng Sở Công Thương Bắc Giang ước tính, tháng 5, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương vẫn đạt trên 1 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu ước đạt 1,224 tỷ USD, bằng 89,4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng ước đạt 6,379 tỷ USD, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước đạt 1,201 tỷ USD, bằng 88,2% so với tháng trước và ước đạt 6,415 tỷ USD tính chung 5 tháng đầu năm, tăng 81,3% so với cùng kỳ năm trước.