Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng gần nhất đều vượt 70 tỷ USD, riêng tháng 8, xuất khẩu gần 38 tỷ USD. Nếu duy trì đà tăng như hiện tại, xuất nhập khẩu cả năm nay sẽ xác lập kỷ lục mới, bỏ xa mốc 732 tỷ USD từng đạt được trong năm 2022. Và hoàn toàn có thể kỳ vọng đạt mốc kỷ lục 800 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 8 tháng vượt 500 tỷ USD
Trong tháng Tám, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2024

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khả quan

Sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD, kết quả cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7.
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%.
Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây liên tục đạt mức cao, tháng 6 đạt 33,7 tỷ USD, tháng 7 đạt 36,24 tỷ USD, tháng 8 đạt 37,59 tỷ USD, trung bình trong 8 tháng năm 2028, kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 33,1 tỷ USD/tháng, trong khi con số trung bình kim ngạch xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2023 chỉ đạt 31,7 tỷ USD/tháng.
Tính đến hết tháng 8/2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%). Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,31 tỷ USD, chiếm 2,4%. Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng qua đạt giá trị lớn nhất 233,3 tỷ USD, chiếm 88% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 41,9%, đạt 5,4 tỷ USD; sản phẩm chất dẻo tăng 31,2%, đạt 4,3 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 28,9%, đạt 46,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 21,8%, đạt 32,7 tỷ USD; sắt thép tăng 14,1%, đạt 6,5 tỷ USD; giày dép tăng 11,8%, đạt 14,9 tỷ USD. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, là nhóm hàng tăng cao nhất trong 4 nhóm hàng. Hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm này đều tăng cao như: Hạt tiêu tăng 42,6%, đạt 877 triệu USD; cà phê tăng 34,8%, đạt 4 tỷ USD; chè tăng 33,5%, đạt 163 triệu USD; rau quả tăng 33,2%, đạt 4,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,3%, đạt 10,4 tỷ USD; gạo tăng 21,7%, đạt 3,9 tỷ USD; hạt điều tăng 21,6%, đạt 2,8 tỷ USD. Ngoài ra, hai nhóm hàng còn lại chỉ đạt mức tăng thấp là thủy sản tăng 4,9% và nhiên liệu và khoáng sản tăng 0,6%.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2024

Kết quả có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, cũng như sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, không thể không kể đến xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.
Nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh thúc đẩy sản xuất tiếp tục hồi phục
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tám tháng năm 2024 đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%.
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2024

Trong tám tháng năm 2024 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%). Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất 93,9%, đạt 230,95 tỷ USD, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47%. Nhiều mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn thuộc nhóm hàng này tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm từ kim loại thường khác tăng 48,7%, đạt 2,1 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,9%, đạt 68,9 tỷ USD; dầu thô tăng 26,6%, đạt 5,8 tỷ USD; kim loại thường khác tăng 26,3%, đạt 6,2 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 23,9%, đạt 6,3 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép tăng 22,6%, đạt 4,2 tỷ USD; sắt thép tăng 20,8%, đạt 7,9 tỷ USD; chất dẻo tăng 18,2%, đạt 7,5 tỷ USD; sản phẩm chất dẻo tăng 17%, đạt 5,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 17%, đạt 31,3 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, giáy dép tăng 16,9%, đạt 4,6 tỷ USD; than đá tăng 15,7%, đạt 5,7 tỷ USD; vải tăng 14,1%, đạt 9,7 tỷ USD; hóa chất tăng 11,8%, đạt 5,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 15,07 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 6,1%.
Nhập khẩu tăng cao và đáng mừng là hầu hết đều tăng ở các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước tiếp đà hồi phục. Sản xuất công nghiệp tháng Tám tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 6,0%.
Kỳ vọng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 800 tỷ năm 2024
Trên cơ sở kết quả xuất, nhập khẩu và các yếu tố thuận lợi, khó khăn của thị trường toàn cầu, việc chúng ta kỳ vọng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 800 tỷ năm 2024 là rất khả thi, từ đó tạo đà cho xuất, nhập khẩu của năm 2025. Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 800 tỷ USD, thì tốc độ tăng năm 2024 so với năm 2023 cần phải đạt tối thiểu 17,5% (năm 2023 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD), với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng là 290 tỷ USD, bình quân mỗi tháng là 72,5 tỷ USD.
Theo quan sát quy luật nhiều năm, hoạt động xuất, nhập khẩu thường diễn ra sôi động, tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV thường cao hơn các quý khác. Năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm, tăng 26,2% so với quý I, tăng 32,9% so với quý II và tăng 4,3% so với quý III; năm 2021chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, tăng lần lượt 19,8%, 12,9% và 11,3% so với quý I, quý II, quý III; năm 2022 do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19, các tháng cuối năm hoạt động xuất, nhập khẩu bắt đầu bị ảnh hưởng, suy giảm so với cùng kỳ các năm trước nên kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV chỉ chiếm 23,8% (quý I chiếm 24,1%, quý II chiếm 26,6%, quý III chiếm 25,5%). Đến cuối năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu đã có dấu hiệu hồi phục, tuy chưa bằng với cùng kỳ các năm trước. Tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV chiếm 27,3% tổng kim ngạch cả năm, tăng lần lượt 21,1%, 14%, 4,7% so với các quý trong năm.
Với tốc độ tăng 8 tháng năm 2024 là 16,7% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng gần nhất đều vượt 70 tỷ USD, cùng với diễn biến quy luật hoạt động xuất, nhập khẩu các tháng cuối năm thì kỳ vọng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 tăng 17,5% so với năm 2023, đồng thời đạt mốc 800 tỷ USD là khả thi. Cần phải nói thêm, năm 2022 là năm kỷ lục về xuất nhập khẩu, đạt 732 tỷ USD, nhưng chưa có tháng nào trong năm có kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt tới 70 tỷ USD (tháng cao nhất cũng chỉ đạt 67,1 tỷ USD).
Để đạt được điều đó, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến và chính sách xuất, nhập khẩu của các thị trường; nắm bắt xu hướng phát triển xanh, bền vững trong các ngành công nghiệp, các quy định mới về thẩm định chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với các ngành hàng xuất khẩu để kịp thời thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp… Mặc dù thị trường xuất khẩu đang phục hồi với nhiều đơn đặt hàng, song xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao, cùng các yêu cầu khắt khe và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu.
Chỉ số Phong vũ biểu thương mại hàng hóa mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố hôm 5/9 cho thấy, tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu nhiều khả năng duy trì ở mức khả quan trong quý III năm nay. Còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Lúc này đang là cao điểm với các nhà sản xuất trong nước để chốt các đơn hàng cuối năm, với những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng thì lo nguyên liệu, nhân công để điều phối sản xuất, giao hàng đúng hẹn.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình thị trường, nhất là vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm; song song đó, cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại, phát huy hơn nữa vai trò kết nối của các cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp để đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.
Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, WB khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trên thị trường tài chính.

Nguồn: gso.gov.vn