Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy: năm 2021 kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU ghi nhận sự tăng trưởng khả quan bất chấp bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Việt Nam xuất siêu đạt 23,23 tỷ USD.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với 8 tháng năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 21,76 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, về trị giá cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 theo EVFTA, tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/8/2022, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 18,7 tỷ USD đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Năm 2020, C/O được cấp chủ yếu cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.
Tuy nhiên, đến năm 2021-2022, thị trường nhập khẩu đa dạng hơn, bao gồm toàn bộ các nước EU và tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, có dung lượng thị trường lớn. Trong đó, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O cao là Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp,...
Sau hơn 2 năm rưỡi thực thi EVFTA, giày dép là mặt hàng có trị giá cấp C/O cao nhất. Các mặt hàng có trị giá xuất khẩu đi EU được cấp C/O EUR.1 trên 300 triệu USD gồm: thủy sản, vali túi xách, chất dẻo, hàng dệt may.
Chính phủ đánh giá, việc triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho Việt Nam như: giúp mở rộng thị trường, thiết lập quan hệ đối tác thương mại với nhiều đối tác chưa có quan hệ FTA từ trước và còn dư địa hợp tác lớn; đưa chất lượng hợp tác kinh tế - thương mại đi vào chiều sâu...
Tuy nhiên, còn không ít khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện các FTA nói chung, EVFTA nói riêng. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác FTA được dự báo chỉ tăng mạnh trong giai đoạn 2019 – 2026 do giai đoạn này hàng hóa của Việt Nam có giá thấp hơn so với trước khi tham gia vào các FTA tại thị trường các nước thành viên.
Tuy nhiên, khi mức độ cắt giảm thuế quan trong FTA càng cao, nguy cơ các nước gia tăng hàng rào thuế quan và phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) để bảo hộ nền sản xuất trong nước trong thời gian tới thì doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với thực tiễn ngày càng gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, tự vệ, chống bán phá giá từ các nước đối tác trên thế giới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam phải thực hiện cam kết miễn giảm thuế sâu theo EVFTA và các FTA song hàng rào kỹ thuật của nước ta còn ít, chưa hiệu quả, chưa bảo vệ được nền sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng đề cập tới khía cạnh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phát triển công nghệ. Trong khi đó, khu vực tư nhân dù đã phát triển nhưng quy mô còn nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ.
Thách thức được đề cập tiếp theo là thực hiện cam kết quy tắc xuất xứ. Nếu đáp ứng được các yêu cầu trong cam kết về quy tắc xuất xứ trong EVFTA để được hương ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với các ngành, mặt hàng có yêu cầu về quy trình cụ thể như dệt may, da giày sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp ngành hàng này.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất phải thay đổi các công đoạn, quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của EVFTA; thay thế nguồn cung, tìm kiếm các nguyên liệu đầu vào từ các nước thành viên EVFTA hoặc tự sản xuất trong nước.
EVFTA được hai bên ký kết vào ngày 30/6/2019, được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.