Các nhà phân tích cho biết Australia, nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ đối với than của họ, với giá thành rẻ hơn sau khi lệnh cấm có hiệu lực của Trung Quốc đối với nhập khẩu than từ Australia.
Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các sản phẩm khác nhau của Australia với các hạn chế nhập khẩu không chính thức kể từ tháng 3 năm 2020 khi quan hệ giữa hai nước căng thẳng.
Lệnh cấm cũng mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu than ở Indonesia, Mông Cổ và Nga khi người mua của Trung Quốc chuyển nhà cung cấp, theo dữ liệu hải quan mới nhất của Trung Quốc. Các công ty khai thác than của Indonesia đã ký một thỏa thuận cung cấp trị giá 1,5 tỷ USD với Trung Quốc vào tháng 11/2020.
Winston Han, nhà phân tích chính từ Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc cho biết: “Dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ tự điều chỉnh với việc than Australia xuất sang các thị trường Ấn Độ và Châu Âu cũng như các nguồn từ Nam Phi và Colombia vào Trung Quốc”.
Là nước tiêu thụ lớn nhất hầu hết các mặt hàng, Trung Quốc từ lâu đã có ảnh hưởng lớn đến thương mại tài nguyên thông qua quy mô tuyệt đối của mình. Nhưng lệnh cấm đã đặc biệt có lợi cho người mua Ấn Độ, trong khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc phàn nàn rằng họ đang phải trả nhiều tiền hơn cho than chất lượng thấp hơn từ các nước khác.
Kirit C Gandhi, chủ tịch công ty xi măng Ấn Độ Shree Cement SHCM.NS. cho biết, năm ngoái các công ty xi măng Ấn Độ đã bắt đầu mua lại các lô hàng than Australia đang được giảm giá mạnh sau khi bị Trung Quốc hạn chế nhập khẩu
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Lavi Coal Info, Ấn Độ trở thành nước mua than nhiệt lớn thứ hai của Australia trong tháng 2 do nước này mua ít than hơn từ các nhà cung cấp truyền thống là Indonesia và Nam Phi.
Australia, nhà cung cấp than luyện lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 20% lượng than nhiệt nhập khẩu của Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm 2021, tăng từ mức trung bình hơn 4% một chút vào năm 2020, theo dữ liệu từ Lavi Coal Info.
Nhập khẩu than của Trung Quốc từ Indonesia tăng cao, với 15,85 triệu tấn nhập khẩu trong tháng 1 và 12,6 triệu của tháng 2/2021.
Giám đốc Lavi Coal Vasudev Pamnani cho biết ông hy vọng Australia sẽ duy trì 15-20% thị phần than nhiệt của Ấn Độ trong thời gian còn lại của năm 2021.
Rajendra Singh Talan, giám đốc điều hành tại Komin India Resources Pvt Ltd, một công ty kinh doanh hàng hóa Ấn Độ, cho biết: “Australia không có thị trường lớn (mới) nào khác ngoài Ấn Độ.
Trung Quốc dự kiến sẽ nới lỏng các hạn chế nhập khẩu than trong năm nay, ngoài Australia, với tổng lượng than nhập khẩu của nước này dự kiến đạt khoảng 300 triệu tấn vào năm 2021, so với 304 triệu tấn vào năm 2020. Trung Quốc đã áp đặt hạn ngạch nhập khẩu than để bảo vệ các công ty khai thác trong nước.
Đối với Australia, lệnh cấm đã cắt giảm tổng lượng than xuất khẩu hơn 7% xuống còn 198 triệu tấn trong giai đoạn 2020-21 từ 213 triệu tấn trong giai đoạn 2019-20.
"Tuy nhiên, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng lên 231 triệu tấn vào năm 2025-26 khi chuỗi cung ứng điều chỉnh và thị trường toàn cầu ngày càng ưu tiên than chất lượng cao", cục tài nguyên chính phủ cho biết.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc cải tổ thương mại sẽ khiến người mua của Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn than luyện chất lượng cao mà Australia chuyên cung cấp.
Dongbin Feng, nhà phân tích từ công ty tư vấn Fenwei có trụ sở tại Trung Quốc cho biết: “Nếu nhập khẩu từ Australia vắng bóng trong thời gian dài, điều đó sẽ buộc các nhà máy thép Trung Quốc phải điều chỉnh để thay thế các loại còn thiếu”.