Cụ thể, Bộ Kinh tế Đức đang muốn đẩy nhanh việc thông qua Đạo luật về năng lượng tái tạo (EEG) tại Quốc hội để đưa văn kiện này có hiệu lực kể từ ngày 1/7 tới. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho rằng việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là "chìa khóa" để giảm sự phụ thuộc của Đức vào nguồn năng lượng hóa thạch của Nga.
EEG nếu được thông qua sẽ tài trợ cho các dự án điện Mặt Trời và điện gió tại Đức, qua đó giảm hơn 40% thuế tiêu thụ điện xuống còn 3,723 xu euro (0,043 xu Mỹ) cho mỗi kilowatt giờ kể từ ngày 1/1/2022. Đây được xem là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2000, nhằm giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Hóa đơn tiền điện của người dân Đức cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Đức đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc tìm biện pháp để hạn chế nguy cơ khủng hoảng giá năng lượng. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh trong những tháng gần đây do nhu cầu tăng vọt khi nhiều nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, khủng hoảng giữa Nga và Ukraine leo thang cũng khiến giá dầu tăng lên hơn 100 USD/thùng. 
Trong khi đó, nhà báo Jennifer Jacobs tại hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết Mỹ và các đồng minh đang xem xét giải phóng kho dự trữ dầu khoảng 60 triệu thùng. Tuy nhiên, các nước vẫn chưa đưa ra quyết định.
Cùng ngày 28/2, tập đoàn năng lượng quốc doanh Sonatrach của Algeria (An-giê-ri) tuyên bố sẵn sàng tăng nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Giám đốc điều hành của Sonatrach, Toufik Hakkar, cho biết đường ống dẫn khí đốt xuyên Đại Tây Dương (Transmed) nối giữa Algeria và Italy (I-ta-li-a) vẫn chưa hoạt động hết công suất và có thể được sử dụng để bổ sung lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu.

Nguồn: BNEWS/TTXVN