Tối 19/8 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 2,05 USD, tương đương 3%, xuống 66,18 USD/thùng, trước đó có lúc giá xuống dưới 66 USD, mức thấp nhất kể từ 21/5; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,81 USD hay 2,8%, xuống 63,65 USD, sau khi có lúc xuống chỉ 62,83 USD, cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 21/5. Cả 2 loại dầu đều có 6 phiên lao dốc liên tiếp – chuỗi giảm dài nhất kể từ ngày 28/2/2020.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, sự lây lan virus biến thể Delta ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang khiến đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Số ca tử vong do Covid-19 đã tăng đột biến ở Mỹ trong tháng qua.
Ông Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Có nhiều yếu tố bất lợi cho giá dầu, như “xu hướng giảm các khoản kích thích khổng lồ, cuộc tiếp quản hỗn loạn của Taliban ở Afghanistan nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng di cư khác và những lo lắng về sự lây lan liên tục của virus khiến nhà đầu tư lảng tránh tài sản rủi ro và tìm đến với USD, gây bất lợi cho giá dầu”.
Đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích trong năm nay. Đồng đô la mạnh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác và có xu hướng cân bằng giá cả.
Thị trường dầu mỏ đã chịu áp lực giảm từ vài tuần nay khi số ca nhiễm Covid-19 do virus biến thể Delta gia tăng nhanh trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển và giao thông đường không đã giảm nhanh chóng trong những tuần gần đây.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 3,2 triệu thùng xuống 435,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2020, theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, các kho dự trữ xăng lại tăng nhẹ, thêm 696.000 thùng lên 228,2 triệu thùng, trái ngược so với mức dự đoán của các nhà phân tích là giảm 1,7 triệu thùng, và lượng cung cấp xăng cho thị trường - thước đo nhu cầu - là 9,5 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 1% so với mức của năm 2019. Sự gia tăng bất ngờ tồn kho xăng của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chậm lại.
Các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ đã cắt giảm khoảng 21.777 hợp đồng các vị thế mua ròng hợp đồng dầu thô tương lai và quyền chọn ở New York và London trong tuần tính đến ngày 10 tháng 8 xuống còn 283.601, theo đó vị thế mua ròng dầu Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11.
Nhu cầu nhiên liệu ở nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này đã tăng đều đặn từ đầu năm tới nay, với mức trung bình của 4 tuần qua là 20,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi khủng hoảng Covid-19, năm 2019.
Biên bản cuộc họp chính sách 2 ngày (27-28/7) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức Fed lưu ý rằng sự lan rộng của virus biến thể Delta có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới phải tạm thời trì hoãn việc mở cửa hoàn toàn trở lại và kìm hãm thị trường việc làm của nước này.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, cũng như việc dịch bệnh đang tiếp diễn trên khắp thế giới đã tác động mạnh mẽ lên giá dầu. Các chính phủ có thể sẽ tái áp dụng các bện pháp giãn cách xã hội cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát và khi mùa Đông ở bán cầu Bắc qua đi. Do đó, hoạt động vận tải hàng không đường dài – lẽ ra được mở cửa rộng rãi trở lại từ quý II/2021 nhưng bị hoãn lại do dịch bệnh bùng phát – có thể sẽ tiếp tục bị hoãn cho đến năm 2022. Tiêu thụ xăng trong ngành hàng không đặc biệt quan trọng đối với sự hồi phục hoàn toàn tiêu thụ xăng dầu toàn cầu.
Bức tranh tiêu thụ xăng dầu trên thế giới vốn đã không đồng đều bởi những mảng sáng tối, nay càng bị che mờ bởi virus biến thể Delta.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, ngày thứ Ba (17/8) đã mở rộng tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và các khu vực khác và công bố quyết định bổ sung thêm 7 tỉnh vào danh sách các địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp về Covid-19 khi mà chỉ còn 1 tuần nữa là diễn ra thế vận hội Paralympic. Các ca mắc mới ở Tokyo đã tăng gấp 3 lần trong 17 ngày diễn ra Thế vận hội. Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Nhật trong ngày 17/8 đã lên tới gần 15.000 ca, đánh dấu ngày thứ 14 liên tiếp số ca mắc mới trên 10.000 ca/ngày.Mặc dù các chuyên gia y tế cho biết sự gia tăng này không liên quan trực tiếp đến Thế vận hội Tokyo, tuy nhiên có tác động gián tiếp đến sự chủ quan của người dân do cảm giác “an toàn” mà Thế vận hội mang lại.
Các nhà đầu tư đã từng lo lắng rằng giá dầu tăng quá cao trong giai đoạn kinh tế hồi phục với niềm lạc quan rằng nhu cầu sẽ tăng vọt về lại mức bình thường. Nhưng giờ đây, các nhà đầu tư buộc phải đánh giá lại những quan điểm lạc quan đó và nhận ra rằng nhu cầu thực sự không cao như vậy .
Tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ, đã hồi phục trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch, nhưng gần đây đã đột ngột thay đổi từ lĩnh vực tiêu dùng sang lĩnh vực công nghiệp và vận tải hàng hóa, phản ánh sự hồi phục không đồng đều ở thị trường này.
Theo đó, số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tổng khối lượng các sản phẩm xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước đã tăng lên 20,1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 5, chỉ còn thấp hơn 300.000 thùng/ngày (1,4%) so với cùng tháng năm 2019, là trước khi xảy ra đại dịch, và cao hơn 200.000 thùng/ngày (1,1%) so với mức trung bình 5 năm trước đại dịch (2015-2019).
Trong khi đó, tiêu thụ chất lỏng khí hydrocacbon (HGLs), chủ yếu được sử dụng trong ngành hóa dầu và các ngành công nghiệp khác, đã tăng trưởng mạnh mẽ, che lấp sự phục hồi chưa hoàn toàn về nhiên liệu cung cấp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức tiêu thụ xăng mặc dù chỉ giảm 4% so với năm 2019 và dầu diesel giảm 6%, nhưng tiêu thụ nhiên liệu máy bay vẫn giảm 26%, chủ yếu do các chuyến bay quốc tế giảm mạnh. Ngược lại, tiêu thụ xăng dầu thành phẩm là 16,5 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 17,5 triệu thùng/ngày của hai năm trước đó và mức trung bình 5 năm là 17,3 triệu thùng/ngày.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở những khu vực tiêu thụ dầu chủ chốt khác, bao gồm Châu Âu và Trung Quốc, sông dữ liệu tiêu thụ xăng dầu ở những khu vực này sẽ được công bố muộn hơn.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế rõ ràng đang bị tổn thương bởi đợt bùng phát Covid-19 mới. Doanh số bán lẻ tháng 7 đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, và lũ lụt cũng như số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Hoạt động chế biến dầu thô trung bình ngày của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - trong tháng vừa qua cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020, do các nhà máy lọc dầu độc lập cắt giảm sản lượng trong bối cảnh hạn ngạch thắt chặt hơn, tồn kho tăng và lợi nhuận giảm. Khối lượng dầu chế biến trong tháng 7 chỉ đạt 59,06 triệu tấn, tương đương 13,9 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,9% so với cùng tháng năm 2020, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết.
Tại Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ tư thế giới, nhiều nhà phân tích nhận định tăng trưởng kinh tế trong quý hiện tại chỉ ở mức khiêm tốn khi các hạn chế khẩn cấp được gia tăng để đối phó với tình trạng số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục, làm ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình. Moody's cho biết: "Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý 3 do chi tiêu và sản xuất tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch gây gián đoạn các hoạt động".
Ấn Độ cũng bắt đầu rút dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của mình, mặc dù giá dầu thô thế giới đang giảm.
Về sản xuất, mặc dù số liệu sản xuất hàng tuần có nhiều biến động, các nhà phân tích lưu ý rằng sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng ổn định, đạt 11,4 triệu thùng/ngày vào tuần trước. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 8,1 triệu thùng/ngày (bpd) vào tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020, theo dữ liệu của chính phủ hôm thứ Hai (16/8).
Điều này diễn ra đúng lúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, cùng với các đồng minh như Nga, đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong vài tháng tới, trả lại một số nguồn cung mà nhóm đã giữ lại kể từ đầu năm 2020.
Al Salazar, Phó chủ tịch phụ trách tình báo của Enverus ở Calgary, cho biết: “Cùng với triển vọng nhu cầu yếu hơn và kết hợp với việc OPEC nói rằng họ sẽ bổ sung, nguồn cung của Mỹ đang bắt đầu tăng lên”.
Về triển vọng giá dầu trong thời gian tới, ít có khả năng giá sẽ sớm hồi phục.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Europe, cho biết: “Giá dầu thô có vẻ sẽ tiếp tục giảm, dự báo sẽ không bứt phá khỏi ngưỡng hỗ trợ từ từ giữa đến cuối mùa Hè này – khoảng 65 USD/thùng đối với dầu WTI và 67 USD đối với dầu Brent”.
Theo ông Craig Erlam, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại do nước này áp đặt thêm các hạn chế để đối phó với tình trạng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và một số dữ liệu của Mỹ công bố tuần qua không như kỳ vọng. Những yếu tố này đã và sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên thị trường dầu.
Trong khi đó, cơ quan quản lý khai thác dầu ngoài khơi của Mỹ hôm 18/8 cho biết họ đang nỗ lực để nối lại chương trình cho thuê mỏ dầu khí liên bang, dự kiến sẽ có kết quả sớm sau khi có quyết định kết thúc việc đình chỉ của tòa án.
Trong bối cảnh hiện tại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hôm thứ Năm tuần trước (12/8) đã hạ dự báo về triển vọng thị trường dầu mỏ trong thời gian tới, theo đó dự kiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại từ nay đến cuối năm 2021 do virus biến thể Delta khiến số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Trong báo cáo tháng 8 này, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2021 sẽ thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với mức dự báo tháng 7, tương đương 5,3 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, lên 96,2 triệu thùng/ngày. IEA cũng cho biết sản lượng khai thác dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhất trí tăng sản lượng.
 

Nguồn: VITIC / Reuters