Dù biến thể Omicron lây lan mạnh làm số ca mắc COVID-19 tăng nhanh và vượt mức đỉnh hồi năm ngoái, giới phân tích cho rằng nhiều chính phủ không sẵn sàng khôi phục các biện pháp phòng dịch vốn ảnh hưởng mạnh tới kinh tế toàn cầu, do đó sẽ có tác động tích cực tới giá dầu.
Chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA Jeffrey Halley cho hay trong trường hợp kinh tế Trung Quốc không suy giảm mạnh, biến thể Omicron không gây ra nhiều tác động bất lợi và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không tăng mạnh sản lượng, giá dầu Brent hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I/2022, thậm chí có thể sớm hơn.
Trong phiên giao dịch mới nhất ngày 12/1, giá dầu Brent giao sau đang được giao dịch trên mức 84 USD/thùng, cao nhất trong 2 tháng qua.
OPEC và các đối tác, gọi là OPEC+, đang nới lỏng dần kế hoạch cắt giảm sản lượng vốn được thực hiện khi nhu cầu "vàng đen" của thế giới giảm mạnh hồi năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn không thể tăng nguồn cung, trong khi những nước sản xuất khác lại thận trọng với việc bơm quá nhiều dầu ra thị trường trong trường hợp chính phủ các nước tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.
Ngân hàng Morgan Stanley dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt 90 USD/thùng trong quý III năm nay. Theo ngân hàng này, với triển vọng dự trữ dầu bị thu hẹp, công suất dự phòng thấp vào nửa cuối năm 2022 cùng các khoản đầu tư vào lĩnh vực dầu khí khá hạn chế, thị trường dầu mỏ có nguy cơ rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.
Trong khi đó, Standard Chartered đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 thêm 8 USD lên 75 USD/thùng. Trong năm 2021, ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ lên 77 USD/thùng, tăng 17 USD so với ước tính trước đó.
Các nhà phân tích của J.P. Morgan cho biết giá dầu có thể tăng thêm 30 USD/thùng sau khi Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và hãng Bloomberg hạ dự báo sản lượng dầu mỏ của OPEC trong năm 2022, lần lượt giảm 0,8 triệu thùng/ngày và 1,2 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng để ngỏ khả năng giá dầu mỏ có thể lên tới 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD/thùng trong năm tới. Ông Claudio Galimberti, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty Rystad Energy, nhấn mạnh nếu OPEC tiếp tục chính sách dầu mỏ hiện nay và muốn siết chặt thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới có thể chạm mốc 100 USD/thùng.
Dù vậy, ông Galimberti cho rằng kịch bản trên nhiều khả năng không xảy ra và giá dầu thế giới có thể ở mức hơn 90 USD/thùng trong năm nay. Áp lực giá dầu cũng sẽ giảm bớt khi một số nước như Canada, Na Uy, Brazil và Guyana tăng sản lượng.