Dầu thô Brent giảm 49 US cent, tương đương 0,6%, xuống 84,65 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 46 US cent, cũng tương đương mức giảm 0,6%, xuống 78,03 USD. Cả hai loại dầu đều hướng đến mức giảm hàng tuần khoảng 2%.
Dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất của Mỹ tăng 0,7% trong tháng 1/2023, sau khi giảm 0,2% trong tháng 12/2022. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm xuống còn 194.000, so với dự báo 200.000, theo một cuộc thăm dò của Reuters.
Kazuhiko Saito, trưởng bộ phận phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd, cho biết: "Dữ liệu mạnh của Mỹ làm gia tăng lo ngại về việc tăng lãi suất và khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, gây áp lực lên giá dầu và các hàng hóa khác".
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) hôm thứ Tư đã báo cáo các kho dự trữ dầu thô của Mỹ vào tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2021 sau khi tăng nhiều hơn dự kiến.
Tuy nhiên, mức giảm đã được hạn chế do các nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc sẽ phục hồi, đồng thời dự đoán thị trường sẽ tiếp tục duy trì trong một phạm vi hẹp trong thời điểm hiện tại.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tuần này cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết thỏa thuận hiện tại của OPEC+ nhằm cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu 2 triệu thùng mỗi ngày sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng vẫn thận trọng về nhu cầu của Trung Quốc.
 

Nguồn: VITIC