Dầu thô Brent giảm 13 cent, tương đương 0,15%, xuống 84,37 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 23 cent, tương đương 0,29%, xuống 77,83 USD/thùng.
Giá giảm có sự tác động từ báo cáo cho thấy số lượng người Mỹ yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tăng hơn dự kiến vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Baden Moore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết: “Tâm lý thị trường dường như nghiêng về phía giảm sau dữ liệu thất nghiệp ở Mỹ”. "Tuy nhiên, tôi kỳ vọng sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc sẽ tác động đối với triển vọng giá vào nửa cuối năm 2023."
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 1 tăng so với tháng 12, với lạm phát tiến sát mục tiêu khoảng 3% mà chính phủ đặt ra vào năm ngoái, đã tạo thêm tâm lý thận trọng cho thị trường dầu mỏ.
Leon Li, nhà phân tích tại CMC Markets, cho biết: “CPI của Trung Quốc tăng trong tháng 1 phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân trước Tết Nguyên đán, nhưng dữ liệu không tốt như mong đợi, phản ánh giai đoạn phục hồi chậm của nền kinh tế”.
Dữ liệu tồn kho dầu mới nhất của Mỹ trong tuần này cũng làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế lớn nhất thế giới, với dự trữ dầu thô đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2021.
Tuy nhiên, dầu Brent và WTI đã tăng hơn 5% trong tuần này, đảo ngược hầu hết mức giảm của tuần trước.
Sắp tới, nhu cầu của Trung Quốc sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất để theo dõi giá dầu, giám đốc nghiên cứu tại Wood Mackenzie, Sushant Gupta cho biết.

Nguồn: VITIC/Reuter