Vào thứ sáu (27/10), giá dầu Brent tăng 2,55 USD, tương đương 2,9%, đạt mức 90,48 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 2,33 USD, tương đương 2,8%, đạt mức 85,54 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm khoảng 4%.
Chênh lệch giữa giá dầu Brent và WTI trên đà hướng tới mức cao nhất kể từ tháng 7/2023, khiến việc vận chuyển dầu từ Mỹ để xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn với các công ty năng lượng.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu Brent trong quý I/2024 ở mức 95 USD/thùng, nhưng nói thêm rằng xuất khẩu của Iran giảm có thể khiến giá dầu tăng 5%.
Trong khi đó, triển vọng nhu cầu không chắc chắn.
Các nhà kinh tế nhận định việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.
Trước đó, giá dầu thế giới giảm thêm 2 USD/thùng vào thứ Năm (26/10) do lo ngại về cuộc xung đột ở Trung Đông giảm bớt cùng lúc nhu cầu của Mỹ có dấu hiệu giảm, tồn trữ dầu thô tăng. Dầu thô Brent ở mức 87,93 USD/thùng, giảm 2,20 USD hay 2,44%. Vào thứ Tư, giá dầu Brent đã tăng gần 2%. Dầu thô Mỹ ở mức 83,21 USD/thùng, giảm 2,18 USD, tương đương 2,55%.
Giá dầu đã được thúc đẩy gần đây do lo ngại về nguồn cung dầu thô toàn cầu từ cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Những lo lắng đó đã giảm bớt vào thứ Năm.
Những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu cũng đè nặng lên giá. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay trở lại mức 5% vào thứ Năm, kéo cổ phiếu trên toàn thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm trong quý 3, làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Các nhà đầu tư cũng đang đón nhận thông tin dự trữ dầu của Mỹ tăng cho thấy nhu cầu yếu.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần trước lên 421,1 triệu thùng, vượt mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Những lo ngại về kinh tế vĩ mô tiếp tục đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu mỏ, do dữ liệu hoạt động kinh doanh của Khu vực đồng euro bất ngờ sụt giảm trong tháng này.
Chỉ số đồng USD cũng tăng nhẹ vào thứ Năm (26/10), gây áp lực lên giá dầu. Đồng USD mạnh làm giảm nhu cầu dầu mỏ vì nó khiến mặt hàng này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giữ nguyên lãi suất như dự kiến, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp.
Trước đó, giá dầu thế giới giảm vào phiên chiều 25/10 trong bối cảnh về nhu cầu châu Âu chậm lại, bù đắp lo lắng về sự gián đoạn nguồn cung do xung đột ở Trung Đông. Dầu thô Brent giảm 28 cent, tương đương 0,3%, xuống 87,79 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ giảm 31 cent, tương đương 0,4%, xuống 83,43 USD/thùng.
Dữ liệu hoạt động kinh doanh của khu vực đồng Euro đã bất ngờ suy giảm trong tháng này, tạo ra lực cản đối với triển vọng nhu cầu dầu mỏ. Nhìn chung, các nhà máy lọc dầu trong khu vực đã tiêu thụ ít dầu thô hơn so với một năm trước trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mờ nhạt.
Tuy nhiên, số liệu tồn trữ dầu thô giảm ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, cũng hỗ trợ giá. Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ hôm thứ Ba, tồn kho của Mỹ giảm khoảng 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20 tháng 10.
Dữ liệu API cho thấy tồn kho xăng giảm 4,2 triệu thùng, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất giảm khoảng 2,3 triệu thùng.
Bức tranh khả quan của kinh tế Mỹ đã nâng đỡ đồng USD, khiến giá dầu - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng vào phiên chiều thứ Ba (24/10), phục hồi từ mức giảm từ ngày hôm trước, do các nhà đầu tư vẫn lo lắng cuộc xung đột ở khu vực xuất khẩu dầu, gây ra khả năng gián đoạn nguồn cung. Dầu thô Brent tăng 50 cent, tương đương 0,5%, lên 90,33 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ tăng 46 cent, tương đương 0,5%, lên 85,95 USD/thùng.
Yuki Takashima, chuyên gia kinh tế tại Nomura Securities, cho biết: “Thị trường đang điều chỉnh sau khi sụt giảm trong hai phiên vừa qua và do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông”.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm 2%
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm khoảng 2% vào thứ Sáu (27/10) do dự báo thời tiết ít lạnh hơn trong hai tuần sẽ làm giảm nhu cầu.
Giá khí đốt giao tháng 11 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm 5 cent, hoặc 1,6%, xuống mức 3,164 USD/mmBTU. Vào thứ Năm, hợp đồng này đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 12 tháng 10.
Công ty tài chính LSEG cho biết sản lượng khí trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ tăng lên trung bình 103,9 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 10 đến nay, tăng từ 102,6 bcfd trong tháng 9 và cao kỷ lục 103,1 bcfd trong tháng 7.
LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ tại 48 tiểu bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 97,6 bcfd trong tuần này lên 108,2 bcfd vào tuần tới do thời tiết lạnh thúc đẩy nhu cầu.
Lưu lượng khí tới 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ tăng lên 13,6 bcfd từ đầu tháng 10 đến nay, tăng từ 12,6 bcfd trong tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục 14,0 bcfd trong tháng 4.
Mỹ đang trên đà trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới vào năm 2023. Giá toàn cầu cao hơn nhiều đã thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của Mỹ một phần do sự gián đoạn nguồn cung.
 

Nguồn: VITIC/Reuter