Dầu thô Brent giảm 19 cent, tương đương 0,2%, ở mức 84,23 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 24 US cent, tương đương 0,3%, xuống 79,86 USD/thùng.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ vào cuối tuần này sẽ giúp xác định xu hướng lãi suất trong năm nay và năm tới. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hôm thứ Sáu cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa để hạ nhiệt tình trạng lạm phát.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chững lại do sự sụt giảm bất động sản, chi tiêu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng sụt giảm, khiến Bắc Kinh phải cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước tiêu thụ dầu mỏ.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết, trong khi giá kể từ đầu quý 3 tăng lần lượt khoảng 12% và 13% đối với dầu Brent và WTI, sau khi cắt giảm sản lượng từ OPEC+, thì triển vọng nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục là một mối lo ngại.
Trong khi đó, Bão nhiệt đới Idalia đã tấn công miền Tây Cuba hôm thứ Hai và gần như là một cơn bão khi hướng tới Florida. Cơn bão có khả năng gây mất điện và có thể ảnh hưởng đến sản xuất dầu thô ở phía đông Bờ Vịnh Mỹ.
Tuần này, trọng tâm cũng sẽ là báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ công bố vào thứ Năm và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 vào thứ Sáu.
Nguồn cung dầu thế giới
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 7/2023 giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 100,7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 7/2023 giảm 836 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,3 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô giảm chủ yếu tại Saudi Arabia, libya và Negeria, trong khi sản lượng tại Angola, Iran và Iraq tăng.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 7/2023 tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73,4 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mỹ: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2023 dự báo tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt mức trung bình 20,4 triệu thùng/ngày, tăng 50 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,8 triệu thùng/ngày, đạt 8,7 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 6/2023 giảm 100 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,8 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,5 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,3 triệu thùng/ngày khí NGL).
Không chỉ hạn chế sản lượng, Nga cũng cam kết giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 và sẽ giảm xuống 300.000 thùng/ngày vào tháng 9/2023.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,65 triệu thùng/ngày xuống mức 10,4 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 100 nghìn thùng/ngày so với báo cáo tháng trước.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 6/2023 tăng 14 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt mức 2,0 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 6/2023 tăng 29 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ giảm 15 nghìn thùng/ngày, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt 2,1 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 6/2023 tăng 166 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,4 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 6/2023 tăng 170 nghìn thùng/ngày, đạt 4,1 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,3 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 4,0 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 15 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 6/2023 tăng 8 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 6/2023 tăng 8 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,3 triệu thùng/ngày. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,6 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đợt đầu tiên của năm 2023 đối với các sản phẩm dầu tinh chế lên 18,99 triệu tấn, tăng 46% so với 13 triệu tấn một năm trước đó. Diễn ra sau đợt phát hành lớn 13,25 triệu tấn vào tháng 9, khi chính phủ tìm cách củng cố nền kinh tế bằng cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động và hưởng lợi từ lợi nhuận xuất khẩu.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 6/2023 giảm 337 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,0 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 6/2023 đạt 1,3 triệu thùng/ngày, tăng 12 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại.
Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 80 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,7 triệu thùng/ngày, giảm 50 nghìn thùng/ngày so với báo cáo trước. Dự báo sản lượng giảm chủ yếu do các cháy rừng đã buộc các nhà sản xuất dầu mỏ phải tạm ngừng hoạt động, làm giảm sản lượng.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2023 dự kiến đạt 67,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,5 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Nauy và Trung Quốc trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Nga.