Dầu thô Brent giao sau giảm 86 US cent, tương đương 1%, xuống 82,01 USD/thùng và dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,08 USD, tương đương 1,3%, ở mức 80,51 USD.
Cả hai loại dầu dầu thô kết thúc tuần giảm, biến động mạnh do đồng USD mạnh lên và dự đoán về việc liệu chính quyền Biden có thể giải phóng dầu từ Cục Dự trữ Dầu chiến lược Mỹ để hạ giá hay không.
Có những dấu hiệu tích cực về phía nhu cầu, với việc di chuyển bằng đường hàng không đang tăng lên nhanh chóng, nhưng chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn và mùa đông bắc bán cầu đang kéo dài sẽ là nhân tố làm giảm giá dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm thứ Năm đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV xuống 330.000 thùng/ngày (bpd) so với dự báo của tháng trước do giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế do suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19.
Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Thị trường dầu đang đi vào trạng thái dư thừa nguồn cung.
OPEC, Nga và các đồng minh, cùng được gọi là OPEC +, đã nhất trí vào tuần trước về kế hoạch bổ sung 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng.

Trước đó, ngày 10/11, dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10/2021 tăng 6,2% so cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất trong 30 năm, chủ yếu do giá năng lượng leo thang. Kỳ vọng rằng dữ liệu sẽ thúc đẩy Mỹ nâng lãi suất đã đưa đồng USD tăng cao và khiến dầu Brent và dầu WTI giảm. Ngày 11/11, đồng USD tăng lên gần mức đỉnh 16 tháng so với đồng euro và các đồng tiền khác do kỳ vọng vào việc Fed nâng lãi suất.

Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 60% trong năm nay và đạt mức cao nhất trong ba năm là 86,70 USD vào ngày 25/10.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng hơn 5% vào thứ sáu (12/11), phục hồi từ mức giảm của phiên trước đó xuống mức thấp nhất trong bảy tuần do dự báo nhu cầu cao hơn, giá châu Âu tăng.

Hợp đồng khí đốt giao sau tăng 26,9 US cent, tương đương 5,5%, lên mức 5,149 USD/mmBtu, kết thúc chuỗi 4 phiên giảm giá.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 96,9 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tuần này lên 104,1 bcfd vào tuần tới do nhu cầu sưởi ấm khi thời tiết chuyển mùa lạnh hơn.

Vào tháng 10, giá khí đốt toàn cầu đạt mức cao kỷ lục khi các công ty tiện ích trên khắp thế giới cạnh tranh khí đốt tự nhiên hóa lỏng để bổ sung lượng dự trữ thấp ở châu Âu và đáp ứng nhu cầu cao ở châu Á.

Dự trữ khí đốt của Mỹ đã tăng vào tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết hôm thứ Tư, nhưng mức tăng ít hơn bình thường vào thời điểm này trong năm và thấp hơn dự báo.

Trong khi đó, Refinitiv cho biết sản lượng tại 48 tiểu bang của Mỹ đã đạt mức trung bình 96,1 bcfd trong tháng 11, tăng từ mức 94,1 bcfd vào tháng 10 và kỷ lục hàng tháng là 95,4 bcfd vào tháng 11 năm 2019.

Nguồn: VITIC/Reuter