Dầu thô Brent tăng 13 cent, tương đương 0,2% lên 69,64 USD/thùng, sau khi giảm 1,5% vào thứ Hai.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 14 cent, tương đương 0,2% lên 67,43 USD/thùng, mất 1,7% vào ngày hôm trước.
Sự phục hồi diễn ra sau khi nguồn tin nói với Reuters rằng OPEC và các đồng minh của họ, bao gồm cả Nga, tin rằng các thị trường dầu không cần nhiều dầu hơn mức họ dự định tung ra trong những tháng tới.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã hối thúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này, được gọi là OPEC +, tăng sản lượng dầu để giải quyết giá xăng tăng mà họ coi là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 8,1 triệu thùng/ngày (bpd) vào tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.
Tazawa cho biết: “Tuy nhiên, bất kỳ sự tăng giá nào của giá dầu cũng sẽ bị hạn chế do sự gia tăng đột biến của các biến thể Delta trên toàn thế giới làm dấy lên lo ngại về việc nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đang chậm lại,”.
Lo lắng về nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng lên vào thứ Hai, sau khi sản lượng chế biến dầu thô hàng ngày của quốc gia này vào tháng trước giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020 do các nhà máy độc lập cắt giảm sản lượng trong bối cảnh hạn ngạch thắt chặt hơn, tồn kho cao và lợi nhuận giảm.
Trong khi đó, dữ liệu từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy, sản lượng chế tạo và doanh số bán lẻ của nước này đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 7/2021 do dịch COVID-19 bùng phát trở lại và lũ lụt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ tư thế giới, nhiều nhà phân tích dự báo sức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn trong quý 3/2021 do việc gia hạn các lệnh hạn chế khẩn cấp nhằm đối phó với sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 sẽ đè nặng lên hoạt động chi tiêu của các hộ gia đình.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đà tăng của nhu cầu dầu đã đảo chiều và giảm 120.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm ảnh hưởng hoạt động giao hàng ở Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác ở châu Á.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng tăng trở lại

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ phục hồi từ mức thấp nhất trong ba tuần vào thứ Hai khi các dự báo cho thấy thời tiết nóng hơn dự kiến trước đó, có thể làm tăng nhu cầu về điều hòa không khí.

Hợp đồng khí giao sau tăng 8,5 US cent, tương đương 2,2%, lên mức 3,946 USD/ mmBtu, phục hồi từ mức thấp nhất kể từ ngày 20/7 trước đó trong phiên.

Refinitiv dự báo nhu cầu khí trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 92,2 bcfd trong tuần này lên 93,6 bcfd trong tuần tới.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên mức trung bình khoảng 92 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay vào tháng 8, từ mức 91,6 bcfd vào tháng 7. Con số đó so với mức cao nhất mọi thời đại là 95,4 bcfd vào tháng 11 năm 2019.

Lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần là 10,9 bcfd trong hai tuần tới.

Nguồn: VITIC/Reuters