Dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 28 US cent, tương đương 0,4%, lên 72,17 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2019. Dầu thô Mỹ (WTI) giao tháng 7 lần đầu tiên chạm mức 70 USD kể từ tháng 10/2018 và ở mức 69,91 USD/thùng, tăng 29US cent, tương đương 0,4%.
Cả hai loại dầu đã tăng trong hai tuần qua khi nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi ở Mỹ và châu Âu sau khi các chính phủ nới lỏng các hạn chế COVID-19 trước mùa hè du lịch.

Giá dầu được hỗ trợ bởi quyết định của nhóm OPEC+, vẫn sẽ duy trì sản lượng và thỏa thuận như từng đưa ra trước đây cho đến tháng 7, dự kiến đưa 2,1 triệu thùng/ngày trở lại thị trường đến tháng 7 theo quyết định đưa ra hồi tháng 4. Bên cạnh đó, nhóm cũng khẳng định tốc độ sản xuất sẽ được quyết định theo các cân đối cung - cầu dầu thô trên thị trường với khả năng nguồn cung dầu của Iran sẽ trở lại thị trường.

Theo các nhà phân tích, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ vượt quá nguồn cung trong nửa cuối năm mặc dù việc cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất OPEC + dần dần được nới lỏng.
Sự chậm lại trong các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc toàn cầu trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và số lượng giàn khoan của Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá dầu.

 

Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động giảm lần đầu tiên trong 6 tuần do tốc độ tăng trưởng khoan chậm lại.

 

Số lượng giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã giảm 1 giàn xuống 456 trong tuần tính đến ngày 4/6, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.

Iran và các cường quốc toàn cầu sẽ bước vào vòng đàm phán thứ năm vào ngày 10/6 tại Vienna, bao gồm việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với xuất khẩu dầu của Iran.

 

Các nhà phân tích dự đoán Iran sẽ tăng sản lượng từ 500.000 đến 1 triệu thùng mỗi ngày sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

 

Trong khi đặc phái viên của Liên minh châu Âu điều phối các cuộc đàm phán cho biết ông tin rằng một thỏa thuận sẽ được ký kết tại cuộc đàm phán tuần này, các nhà ngoại giao cấp cao khác cho biết những quyết định khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước.

 

 

 

 

Với việc giá chủ yếu tăng kể từ tháng 10 năm 2020, một số công ty năng lượng cho biết họ có kế hoạch tăng chi tiêu sau khi giảm giàn khoan và chi phí hoàn thành trong hai năm qua. Tuy nhiên, mức tăng chi tiêu đó vẫn nhỏ vì hầu hết công ty tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy dòng tiền, giảm nợ và tăng lợi nhuận cho cổ đông thay vì tăng thêm sản lượng.

 

Nguồn: VITIC