Dầu thô Brent giao sau giảm 1,52 USD, tương đương 2,2%, xuống 69,17 USD/thùng, sau khi giảm 6% vào tuần trước, mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 4 tháng.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) giao sau giảm 1,64 USD, tương đương 2,4% xuống 66,64 USD/thùng, sau khi giảm gần 7% vào tuần trước, tuần giảm mạnh nhất trong 9 tháng.
Nhà phân tích Gordon Ramsay tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, có trụ sở tại Canada nhận định sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sụt giảm.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng ANZ có trụ sở tại Melbourne (Australia), chính sách hạn chế mới tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, là yếu tố chính ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu.
Các nhà phân tích của ANZ nhận định mặc dù số ca mắc bệnh tại Trung Quốc không cao, song đợt bùng phát xảy ra đúng vào mùa cao điểm du lịch hè. Tình trạng này đã “phủ mây đen” lên các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ ở những khu vực khác.
Các biện pháp hạn chế bao gồm việc hủy chuyến bay, cảnh báo của 46 thành phố về việc đi lại và giới hạn đối với các dịch vụ giao thông công cộng và taxi ở 144 trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dữ liệu được công bố vào cuối tuần cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại hơn dự kiến trong tháng 7 sau khi bùng phát các vụ COVID-19 và lũ lụt, trong khi tăng trưởng nhập khẩu cũng yếu hơn dự kiến. Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đạt 301,83 triệu tấn, tương đương 10,39 triệu thùng/ngày, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Howie Lee, nhà kinh tế tại ngân hàng Singapore OCBC, cho biết: “Diễn biến giá mà chúng ta thấy bây giờ thực sự là một chức năng của bức tranh vĩ mô. Biến thể Delta hiện đang thực sự gây nên những rủi ro trên thị trường, không riêng gì dầu mỏ.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng các trường hợp COVID-19 ở Mỹ, đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, và biến thể Delta mới đang gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước.
Nhật Bản đang sẵn sàng mở rộng các biện pháp hạn chế khẩn cấp tới nhiều khu vực hơn của đất nước, trong khi Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã áp đặt hạn chế ở một số thành phố và hủy các chuyến bay.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết các giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng hai giàn lên 387 trong tuần này. Tăng trưởng về số lượng giàn khoan đã chậm lại trong những tháng gần đây do các nhà khai thác tiếp tục tập trung vào những quy định về vốn.
Sự phục hồi của đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng euro cũng ảnh hưởng đến giá dầu, sau khi báo cáo việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến. Đồng đô la mạnh hơn khiến giá dầu định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giao dịch trầm lắng với những ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản và Singapore.

Nguồn: VITIC/Reuters