Dầu thô Brent giao sau tăng 2,01 USD, tương đương 1,63%, lên 125 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,53 USD, tương đương 1,28%, ở mức 120 USD/thùng.
Nga xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỗi ngày.
"Không có công suất nào trên thế giới hiện nay có thể thay thế 7 triệu thùng dầu xuất khẩu", Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói với các phóng viên tại một hội nghị ngành ở Houston.
Nguồn cung dầu bị gián đoạn do tồn kho tiếp tục giảm trên toàn thế giới. Năm nhà phân tích được Reuters thăm dò ước tính trung bình rằng kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 800.000 thùng trong tuần tính đến ngày 4 tháng 3.
Cuộc thăm dò được tiến hành trước báo cáo tồn kho hàng tuần từ Viện Dầu mỏ Mỹ vào thứ Ba và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vào thứ Tư.
Trích số liệu từ Sàn giao dịch ICE ở London, đài Sputnik cho biết giá khí đốt châu Âu ghi nhận vào lúc 15h30 ngày 7/3 (giờ Việt Nam) đã đạt 3.600 USD/1.000 m3.

 

Giá khí đốt ở châu Âu trên sàn giao dịch ICE phá kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 12/2021, lên gần 2.230 USD/1.000 m3, tăng 59,4%. Giá khí đốt tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư thị trường lo ngại về tình hình chiến sự đang diễn ra tại Ukraine. Trong khi đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ đồng thời là nhà xuất khẩu khí đốt chính của Nga Gazprom ngày 7/3 cho biết họ tiếp tục cung cấp khí đốt của Nga đến châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.
Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, con số này là khoảng 50%. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga.
Châu Âu nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng cao kỷ lục từ các nước như Mỹ trong những tháng gần đây. Điều này giúp khu vực có thể trải qua qua mùa hè không bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, ngay cả khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt .

 

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 3%

Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ giảm hơn 3% vào thứ Hai (7/3), do dự báo thời tiết bớt lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm vào tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Giá giảm diễn ra mặc dù giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng vọt khiến nhu cầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng mạnh.

Hợp đồng khí đốt giao sau tháng giảm 18,3 cent, tương đương 3,6%, xuống 4,833 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh. Vào thứ Sáu, hợp đồng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng Hai.

Mỹ đã sản xuất LNG gần hết công suất. Kể từ đầu năm đến nay, thị trường khí đốt của Mỹ hầu như không thay đổi so với những gì đang diễn ra ở châu Âu, tập trung nhiều hơn vào thời tiết và cung cầu trong nước.

Nga, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, cung cấp khoảng 30% đến 40% lượng khí đốt của châu Âu, với tổng sản lượng khoảng 16,3 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào năm 2021.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đang trên đà tăng lên 93,6 bcfd trong tháng 3 từ mức 92,5 bcfd vào tháng 2 khi nhiều giếng dầu khí hoạt động trở lại sau khi đóng băng hồi đầu năm. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 96,2 bcfd vào tháng 12.

Với thời tiết lạnh hơn vào tuần tới, Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 109,8 bcfd trong tuần này lên 115,1 bcfd vào tuần tới.

Lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ cho đến nay đã tăng lên 12,60 bcfd trong tháng 3 từ mức 12,43 bcfd trong tháng 2 và mức kỷ lục 12,44 bcfd trong tháng 1.

Nguồn: VITIC/Reuters