Dầu Brent giao dịch ở mức 93,19 USD/thùng, giảm 10 US cent, sau khi giảm 3,3% trong phiên trước đó.
Dầu thô Mỹ (WTI) cũng giữ ổn định và giao dịch ở mức 92,13 USD/thùng, sau khi hợp đồng kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Ba giảm 3,6%.
Cả hai loại dầu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014 vào thứ Hai, với Brent chạm 96,78 USD và WTI đạt 95,82 USD. Giá dầu Brent đã tăng 50% vào năm 2021, trong khi WTI tăng khoảng 60%, do nhu cầu phục hồi toàn cầu.
Ngoài căng thẳng về chính trị giữa một số nước, thị trường dầu mỏ vẫn thắt chặt và giá dầu vẫn đang hướng đến mức 100 USD/thùng, các nhà phân tích cho biết.
"Về mặt kỹ thuật, chúng tôi có thể thấy giá quay trở lại mức 90 USD/thùng khi chốt lời, nhưng chúng sẽ có xu hướng tới 100 USD khi nền kinh tế đang phục hồi và nhu cầu ngày càng tăng trong khi nguồn cung vẫn thắt chặt", Jonathan Barratt, trưởng nhóm đầu tư tại Tập đoàn Probis cho biết.
Giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã giảm tổng thể khoảng 14,5% từ đầu ngày 15/2 sau khi Nga tuyên bố sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine sau năm 2024 nếu có nhu cầu.
Theo sàn giao dịch ICE London, giá khí đốt tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 15/2 đã giảm xuống gần 800 USD/1.000 m3 trong bối cảnh các tuyên bố về kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Giá khí đốt kỳ hạn tháng Ba tại Trung tâm TTF Hà Lan đã giảm xuống còn 809 USD/1.000 m3 hoặc tương đương 69 euro/MWh. Mức giảm tổng thể của giá khí đốt từ đầu ngày 15/2 là khoảng 14,5%.