Dầu thô Brent tăng 39 cent, tương đương 0,6%, lên 73,59 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) tăng 39 cent, tương đương 0,6%, ở mức 68,66 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều giảm 1,5% vào thứ Tư sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự báo nhu cầu tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay, làm dấy lên lo ngại lãi suất cao hơn sẽ làm chậm nền kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Dữ liệu cho thấy sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 15,4% so với một năm trước đó, đạt mức cao thứ hai trong lịch sử.
Sản lượng cao hơn do các nhà máy lọc dầu đưa các đơn vị hoạt động trở lại sau quá trình bảo trì theo kế hoạch và các nhà máy lọc dầu độc lập xử lý hàng nhập khẩu giá rẻ.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế yếu kém đã hạn chế mức tăng giá vào thứ Năm, do tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 5 không đạt như dự báo.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,5% trong tháng 5, giảm so với mức tăng 5,6% trong tháng 4 và thấp hơn một chút so với mức tăng 3,6% mà các nhà phân tích dự đoán trong một cuộc thăm dò của Reuters, do các nhà sản xuất phải vật lộn với nhu cầu yếu trong và ngoài nước.
Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường tại Phillip Nova, cho biết dữ liệu ảm đạm của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến giá dầu.
Việc Mỹ tăng lãi suất cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết triển vọng lãi suất cao trong dài hạn có thể dẫn đến áp lực tăng trưởng hơn nữa và kiểm soát các điều kiện về nhu cầu dầu mỏ.

Nhu cầu dầu thế giới:

Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu tăng mạnh trong tháng 4/2023, tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi nhu cầu xăng dầu do hoạt động kinh tế tăng trường thúc đẩy tiêu thụ nguyên liệu hóa dầu; Naphtha. Việc dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 đã dẫn đến du lịch hàng không phục hồi mạnh hơn dự kiến, theo đó nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng 0,38 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng hành khách của ngành hàng không nội tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc trong tháng 6/2023 đã giảm một nửa so với tháng trước. Cụ thể, số lượng dầu Urals của Nga được vận chuyển từ các cảng Baltic và Biển Đen đến Trung Quốc đã giảm gần 50% từ ngày 1/6 đến ngày 19/6 so với cùng kỳ tháng 5 và đạt trung bình 212.000 thùng mỗi ngày. Con số này giảm từ mức 414.000 thùng mỗi ngày trong cùng kỳ tháng trước. Các nhà phân tích cho rằng việc nhập khẩu giảm là do các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc bị thiếu hạn ngạch nhập khẩu.
Trong tháng 5/2023, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao kỷ lục, do các nhà máy lọc dầu tư nhân tiếp tục mua sản phẩm dầu thô ESPO và Urals đang chịu trừng phạt với giá chiết khấu. Trong tháng 5/2023, Trung Quốc nhập khẩu 9,71 triệu tấn dầu từ Nga.
Trung Quốc tiếp tục mua năng lượng từ Nga trong bối cảnh kinh tế Nga đang chịu ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 190 tỷ USD trong năm 2022.
Giới quan sát cũng dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa sẽ tăng, khi ngành hàng không Trung Quốc phục hồi với các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Ngoài ra, các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ cũng viện dẫn giá dầu thô mua từ Nga thấp hơn là một yếu tố thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu dầu thô cũng được dự kiến sẽ tăng tại các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn như Zhejiang Petrochemical (ZPC) và Hengli Petrochemical. Những nhà máy này được cho là đang hoạt động ở mức hoặc cao hơn công suất chính thức để thu lợi nhuận cao hơn từ mảng lọc dầu. Tính chung ZPC và Hengli hiện chiếm 6,5% trong tổng công suất lọc dầu của Trung Quốc.
Trong quý II/2023, nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động trong ngành hàng không trong nước và quốc tế sẽ tăng mạnh, thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu máy bay. Trong quý III/2023, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng ở mức 0,8 triệu thùng/ngày.
Với việc chính phủ tập trung vào việc phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay sau khi bỏ các biện pháp kiểm soát COVID, một số nhà phân tích đang kỳ vọng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 3/2023, giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ bảy giảm liên tiếp.
Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý II/2023 dự đoán giảm 90 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2023 nhu cầu dầu dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ 30 nghìn thùng/ngày so với cùng quý năm trước. Nhìn chung, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trong báo cáo mới nhất tháng 6/2023, IEA đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới lên mức cao kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, đồng thời cho biết, nhu cầu này sẽ được hỗ trợ bởi các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn ở các nước đang phát triển.
Nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023 đạt 102,3 triệu thùng/ngày.
Các nước ngoài OPEC+ dẫn đầu tăng trưởng nguồn cung dầu, tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Công suất lọc dầu toàn cầu dự báo tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Dự báo của OPEC: Vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,35 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,9 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trước đó, ngày 14/2, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sau khi Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, chấm dứt chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt.
Trong báo cáo thị trường hằng tháng, OPEC cho rằng chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 sẽ là việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại bắt buộc và tác động của biện pháp này đối với Trung Quốc, khu vực và thế giới.

Nguồn: VITIC/Reuter