EMR ấn định giá than tham chiếu (HBA, làm cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than của nước này chào bán) tháng Chín ở mức 150,03 USD/tấn, tăng 14,53% so với mức 130,99 USD/tấn vào tháng Tám.
Đây là mức cao nhất kể từ khi đạt đỉnh 116,65 USD/tấn vào tháng 11/2011.
Trong một thông báo, người phát ngôn của EMR, ông Agung Pribadi, cho biết nhu cầu sử dụng điện gia tăng ở Trung Quốc đang vượt quá khả năng sản xuất than trong nước của quốc gia này.
Theo ông, nhu cầu than tăng vọt tại Hàn Quốc và châu Âu khi giá khí đốt tăng tại các khu vực.
Số liệu của Sàn giao dịch TTF của Hà Lan cho thấy giá khí đốt tại châu Âu đứng ở mức 38,65 euro (45,91 USD)/MWh vào ngày 6/7.
Ông Nick Campbell, Giám đốc công ty tư vấn Inspired Energy, cho biết giá cao do dự trữ khí đốt thấp kỷ lục, các mỏ ngừng hoạt động, các vấn đề sản xuất kéo dài và hoạt động mua bán tích cực của các khách hàng châu Á.
HBA, ở mức 89,74 USD/tấn hồi tháng Năm, đã tăng mạnh sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục 49,42 USD/tấn vào tháng 9/2020 trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại, làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện. HBA đã đạt mức cao nhất gần ba năm hồi tháng Sáu vừa qua.
Giám đốc điều hành Hiệp hội khai thác than Indonesia (APBI), ông Hendra Sinadia cho biết giá tăng cũng do nguồn cung hạn chế trong bối cảnh Australia và Indonesia - hai nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới - đang trong mùa mưa.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu than Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc nhập khẩu than của Australia trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ít thuận lợi.
Ông Hendra dự báo giá than đá sẽ tiếp tục tăng, đồng thời cho biết APBI đang tiếp tục theo dõi sát sao các điều kiện thời tiết, quan hệ Australia-Trung Quốc, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng dần lãi suất trong những tháng tới./.