IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 khi thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn.
IEA, cơ quan tư vấn cho các nước công nghiệp phát triển, hôm thứ Năm dự đoán mức tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 1,24 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2024. Đây là lần điều chỉnh tăng thứ ba liên tiếp trong nhiều tháng nhưng thấp hơn dự báo 2,25 triệu thùng/ngày của OPEC.
Với xung đột ở Trung Đông làm gia tăng lo ngại về nguồn cung, IEA cho biết - ngoại trừ sự gián đoạn đáng kể đối với dòng chảy - thị trường có vẻ được cung cấp khá tốt vào năm 2024 và tình trạng dư thừa có thể xuất hiện nếu OPEC và các đồng minh dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng như dự kiến trong quý hai.
Điều chỉnh tăng trưởng nhu cầu mới nhất của IEA, tăng 180.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, có liên quan đến việc cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giá dầu thô giảm trong quý 4 cộng với việc mở rộng lĩnh vực hóa dầu của Trung Quốc.
Giá dầu khởi đầu năm mới với nền tảng yếu do sự bất ổn về nhu cầu bù đắp cho tác động của đợt cắt giảm nguồn cung mới của OPEC và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, cũng như căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Dầu thô Brent giao dịch quanh mức 78 USD/thùng vào thứ Năm (18/1).
IEA dự kiến nguồn cung dầu thế giới sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày lên mức cao mới 103,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024, được thúc đẩy bởi sản lượng lập kỷ lục từ Hoa Kỳ, Brazil, Guyana và Canada.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông, khu vực mà IEA cho biết chiếm 1/3 giao dịch dầu mỏ bằng đường biển của thế giới, đã tác động tới thị trường dầu.
Khi sản lượng ngoài OPEC tăng, nhóm sản xuất và liên minh OPEC+ rộng hơn đã thực hiện một loạt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường. Việc cắt giảm mới cho quý đầu tiên năm 2023 đã có hiệu lực trong tháng 1.
Trong khi những cắt giảm này có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng thâm hụt nhỏ vào đầu năm, IEA cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nước ngoài OPEC có thể dẫn đến “thặng dư đáng kể” nếu đợt cắt giảm tự nguyện bổ sung được dỡ bỏ trong quý hai.
 

Nguồn: VITIC/Reuters