Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và IEA (đại diện cho các nước công nghiệp phát triển) đã mâu thuẫn trong những năm gần đây về các vấn đề như triển vọng dài hạn về nhu cầu dầu và nhu cầu đầu tư vào nguồn cung mới.
Trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm thứ Năm (12/10), IEA đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2024 xuống 880.000 thùng/ngày, từ mức 1 triệu thùng/ngày, cho thấy điều kiện kinh tế toàn cầu khắc nghiệt hơn và tiến bộ về hiệu quả năng lượng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Ngược lại, trong báo cáo mới nhất của mình, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Chênh lệch giữa hai dự báo rơi vào khoảng 1,37 triệu thùng/ngày – tương đương với hơn 1% lượng dầu tiêu thụ hàng ngày trên toàn cầu.
Nhu cầu dầu tăng trưởng là dấu hiệu cho thấy sức mạnh tiềm tàng của thị trường dầu mỏ và có thể ảnh hưởng đến giá cả cũng như chi phí nhiên liệu cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề cho các quyết định về chính sách nguồn cung của OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC+.
“Vào năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững chắc, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục cải thiện, dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa mức tiêu thụ dầu”, OPEC cho biết trong báo cáo hàng tháng.
Cả hai nhà dự báo đều có cùng quan điểm về nhu cầu trong năm nay. IEA đã nâng con số tăng trưởng trong năm nay lên 2,3 triệu thùng/ngày, gần bằng mức dự báo 2,44 triệu thùng/ngày của OPEC.
IEA cho biết trong báo cáo của mình rằng họ nhận thấy nhu cầu sử dụng dầu đang có dấu hiệu suy giảm do giá cả tăng và doanh số bán xe điện tăng.
Giá dầu thô đã đạt gần 100 USD/thùng trong tháng 09/2023 trước khi giảm do lo ngại về kinh tế, sau đó tăng trở lại vào thứ Hai (09/10) do lo ngại xung đột giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas có thể trở nên tồi tệ và làm gián đoạn nguồn cung.
IEA cho biết: “Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu sụt giảm với quy mô lớn, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp như Nigeria, Pakistan và Ai Cập và một số nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bao gồm cả Mỹ”.
OPEC vẫn kỳ vọng nhu cầu dầu ở các nước thuộc OECD sẽ tăng vào năm 2024, trong khi IEA nhận thấy nhu cầu này đang bước vào "thời kỳ suy giảm vĩnh viễn".
IEA cho biết nhu cầu xăng dự kiến sẽ giảm 250.000 thùng/ngày trong năm tới tại các nước OECD. Theo tổ chức này, doanh số bán xe điện ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Các nhà dự báo nhu cầu dầu thường phải thực hiện những điều chỉnh đáng kể do triển vọng kinh tế thay đổi và những bất ổn địa chính trị, trong năm nay bao gồm việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn virus corona và lãi suất tăng.

 

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters