Dầu thô Mỹ (WTI) giao sau tăng 29 US cent, tương đương 0,44% lên 65,57 USD/thùng, sau khi tăng 36 US cent vào thứ Ba. Giá dầu thô Brent giao sau tăng 31US cent, tương đương 0,45% lên 68,86 USD/thùng, tăng 23 US cent vào thứ Ba (11/5).
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA viết trong một ghi chú: “Các thị trường dầu mỏ duy trì cách tiếp cận chờ đợi của họ, việc tấn công mạng đường ống đang kéo dài và hiện đang gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu ở miền Đông nước Mỹ."
Các trạm xăng từ Florida đến Virginia bắt đầu vơi dần nhiên liệu vào thứ Ba (11/5) khi các tài xế đổ xô đổ xăng.
Hiệp hội ô tô Mỹ cho biết, giá xăng không chì của Mỹ đạt mức trung bình 2,99 USD/gallon, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2014.
Các nhà phân tích của ING cho biết: "Thời gian ngừng hoạt động đường dẫn nhiên liệu hàng đầu của Mỹ Colonial kéo dài, sẽ hỗ trợ cho giá sản phẩm tinh chế, có thể bắt đầu ảnh hưởng đến giá dầu thô, nếu các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh Mỹ buộc phải giảm tốc độ vận hành".
Colonial Pipeline cho biết họ hy vọng sẽ khởi động lại một phần lớn mạng vào cuối tuần.
Trong khi đó, giá dầu được hỗ trợ bởi triển vọng mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). OPEC cho biết họ dự kiến nhu cầu sẽ tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với dự báo tháng trước. Tuy nhiên, họ đã cắt giảm triển vọng nhu cầu trong quý II/2021 xuống 300.000 thùng/ngày, ở mức 94,79 triệu thùng/ngày do tình trạng nhiễm COVID-19 tăng vọt ở Ấn Độ.
Dữ liệu từ nhóm công nghiệp của Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,5 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/5, ít hơn một chút so với dự kiến.
Sự sụt giảm diễn ra trước khi đường dẫn nhiên liệu hàng đầu của Mỹ Colonial bị tấn công mạng vào thứ Sáu tuần trước, buộc đường ống vận chuyển hơn 2,5 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày phải đóng cửa.
Giá dầu ngày 12/5 tăng mạnh chủ yếu do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô thời gian tới tăng mạnh khi một số nước châu Âu như Anh, Pháp... được cho là đã lên kế hoạch mở cửa một phần nền kinh tế.
Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu lạc quan qua đó làm gia tăng kỳ vọng cải thiện nhu cầu dầu thô toàn cầu cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu hôm nay đi lên.
Tại Mỹ, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ New York vừa nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong gần 40 năm qua và lạm phát sẽ trở lại mục tiêu 2% vào năm 2022.
Còn tại Trung Quốc, dữ liệu thống kê cho thấy hoạt động xuất khẩu của nước này đã tăng tới 32,3% trong tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã có những bước chuyển tích cực khi các chương trình tiêm chủng vắc-xin Covdi-19 được đẩy mạnh. Hoạt động du lịch đang trở nên sôi động tại một quốc gia, khu vực như Nga, Mỹ, Bồ Đào Nha... cũng góp phần làm gia tăng niềm tin vào triển vọng phục hồi nhu cầu năng lượng, qua đó giúp giá dầu tăng.
Giá dầu hôm nay còn được hỗ trợ mạnh bởi thông tin tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 7/5.
Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), các kho dự trữ sản phẩm chưng cất đã giảm lượng tồn kho trong tuần này xuống 872.000 thùng, sau khi giảm 3,453 thùng của tuần trước.
Trước đó, Viện Dầu mỏ Mỹ cũng cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 77,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/4, dự trữ xăng giảm 5,3 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,5 triệu thùng vào cùng giai đoạn.
Bên cạnh đó, giá dầu ngày 12/5 còn được hỗ trợ bởi thông tin OPEC vẫn bảo lưu quan điểm về dự báo về nhu cầu thô.

Nguồn: VITIC