Theo Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), nhu cầu khí đốt tự nhiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tăng hơn gấp 2 lần vào năm 2050, lên mức 350 tỷ m3 trong bối cảnh khu vực này đang dịch chuyển khỏi điện than.
Phát biểu trên được Tổng thư ký GECF, ông Mohammed Hammel đưa ra tại một sự kiện do GECF phối hợp với viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức tại Jakarta vào ngày 21/2.
Theo ông Hammel, tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong hỗn hợp năng lượng của khu vực được dự báo sẽ tăng liên tục lên mức 24% vào năm 2050.
Dữ liệu của GECF cho thấy nhu cầu khí đốt tự nhiên của ASEAN ở mức 160 tỷ m3 vào năm 2021, trong đó 80 tỷ m3 được dùng để sản xuất điện, tiếp đó là lĩnh vực công nghiệp với 50 tỷ m3.
Hai lĩnh vực trên sẽ tiếp tục chiếm phần lớn nhất trong nhu cầu khí đốt tự nhiên của ASEAN vào năm 2050. Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng trở thành những nước đóng góp lớn nhất cho nhu cầu này.
Theo GECF, hiện ASEAN vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá. Sản phẩm khai khoáng này chiếm tới 24% hỗn hợp năng lượng của khu vực vào năm 2021, song có khả năng sẽ giảm xuống còn 13% vào năm 2050 trong bối cảnh tỷ trọng năng lượng sạch ngày càng gia tăng.
Thái Lan - nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất khu vực - sẽ duy trì vị trí này trong những thập kỷ tới. Sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên của ASEAN sẽ tiếp tục ở mức khoảng 180 tỷ m3 vào năm 2050, trong đó chủ yếu được khai thác ngoài khơi.
Ông Hammel cho hay: “Ở khu vực ASEAN, việc chuyển từ sử dụng than đá sang sử dụng khí đốt là giải pháp dễ dàng để cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải khí nhà kính. Khí đốt tự nhiên sẽ cung cấp giải pháp dự phòng và sự ổn định cho lưới điện.”
GECF cho rằng, nếu kết hợp với công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS), khí đốt tự nhiên có thể giảm thêm 735 triệu tấn khí thải CO2 chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng vào năm 2050.
Về phần mình, ông Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA, cũng khẳng định rằng khí đốt tự nhiên có thể giúp ASEAN cắt giảm lượng khí thải carbon.
Ông Nishimura giải thích: “Khí đốt tự nhiên có thể giúp giảm phát thải thông qua việc mở rộng sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trong giai đoạn 2020-2030, bằng cách áp dụng các loại nhiên liệu hiện có và giá cả phải chăng, cũng như các công nghệ năng lượng.”
Trong giai đoạn 2030-2050, nhiều công nghệ tiên tiến như đồng đốt bằng hydro và CCUS (thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon) sẽ được triển khai.
Tới nay, nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã công bố mục tiêu trung hòa carbon. Ví dụ, Indonesia đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn. Thời gian biểu này muộn hơn 10 năm so với Malaysia, Thái Lan và Việt Nam./.