-Giá xăng dầu thế giới tháng 4/2023 giảm
- Theo số liệu của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 3/2023 giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,9 thùng/ngày.
- Theo OPEC, nhu cầu dầu thô trên thế giới năm 2023 tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày so với năm 2022, lên trung bình 101,8 triệu thùng/ngày.
- Nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC năm 2023 tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt 67,2 triệu thùng/ngày.
Từ đầu tháng 4 giá tăng dần đến gần giữa tháng, sau đó giảm trở lại. Ngày 24/4 dầu Brent ở mức 81,95 USD/thùng và dầu thô Mỹ (WTI) đạt 78,30 USD/thùng; giá xăng RON92 đạt 90,97 USD/thùng, so với đầu tháng giá dầu Brent và WTI giảm 4-5%; xăng RON 92 giảm khoảng 7%. Trước đó, giá dầu chạm mức thấp nhất trong 15 tháng trong phiên 20/3, do khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng sau khi hai ngân hàng của Mỹ phá sản và Credit Suisse được ngân hàng lớn nhất của Thụy Sỹ là UBS cứu trợ.
Những yếu tố tác động giá dầu tăng:
Ngày 2/4/2023, một số thành viên OPEC+, trong đó có Saudi Arabia, UAE, Iraq, Kuwait, Oman và Algeria, đã khiến thị trường bất ngờ khi thông báo tự nguyện cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến cuối năm nay. Theo đó, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày, trong khi UAE sẽ 144.000 thùng/ngày. Nga - một thành viên chủ chốt của OPEC+, cho biết sẽ duy trì mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày, vốn đang được thực hiện từ tháng 3-6, cho đến cuối năm nay. Các thành viên OPEC+ khẳng định đây là "biện pháp phòng ngừa" nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Như vậy, với cam kết mới nhất, tổng mức giảm sản lượng của OPEC+ sẽ lên khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 3,6% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 11/4 đã hạ 0,5 triệu thùng trong dự báo sản lượng dầu của các nước OPEC trong thời gian còn lại của năm nay.
Theo IEA, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày.
Các nhà đầu tư lạc quan rằng Fed đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, khiến dầu được định giá bằng đồng USD rẻ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Những yếu tố tác động giá dầu giảm:
Nhu cầu xăng dầu tại Mỹ giảm gây lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế của quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới.
Các ngân hàng trung ương Mỹ, Anh và châu Âu đều được cho là sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần đầu tiên của tháng 5/2023, nhằm kiểm soát lạm phát hiện vẫn ở mức cao.
Đà phục hồi chưa ổn định của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch cũng tác động đến triển vọng nhu cầu, dù số liệu cho thấy nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới đã nhập lượng dầu kỷ lục trong tháng 3. Lượng dầu mà nước này nhập khẩu từ các nhà cung cấp hàng đầu là Nga và Saudi Arabia vượt mức 2 triệu thùng/ngày mỗi nước.
Nguồn cung
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 3/2023 giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,9 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 3/2023 giảm 86 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,80 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia, trong khi sản lượng giảm tại Angola, Iraq và Nigeria giảm.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 3/2023 giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73,2 triệu thùng/ngày, tăng 1,6 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mỹ: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2022 tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt mức trung bình 19 triệu thùng/ngày, tăng 44 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ dự kiến tăng 0,6 triệu thùng/ngày, đạt mức 11,8 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,8 triệu thùng/ngày đạt 12,6 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 02/2023 tăng 175 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 11,4 triệu thùng/ngày (bao gồm 10 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,4 triệu thùng/ngày khí NGL).
Năm 2022 sản lượng dầu mỏ tăng thêm 0,2 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt mức trung bình 11 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với báo cáo tháng trước. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,7 triệu thùng/ngày xuống mức 10,3 triệu thùng/ngày, mức tăng trưởng hàng năm không thay đổi so với báo cáo tháng trước.
Nga- nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 02/2023 tăng 13 nghìn thùng/ngày, đạt mức 2 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 02/2023 tăng nhẹ 7 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 6 nghìn thùng/ngày, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ giảm 140 nghìn thùng/ngày đạt trung bình 1,9 triệu thùng/ngày, điều chỉnh giảm chủ yếu là do sản lượng trong quý IV/2022 giảm. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt 2,1 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 02/2023 giảm 13 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,3 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 02/2023 giảm 14 nghìn thùng/ngày, đạt 4,0 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,1 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới. Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 4,0 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tưng 45 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 02/2023 tăng 39 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 02/2023 tăng 40 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,2 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày, tăng 151 nghìn thùng/ngày so với năm trước đó. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,5 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đợt đầu tiên của năm 2023 đối với các sản phẩm dầu tinh chế lên 18,99 triệu tấn, tăng 46% so với 13 triệu tấn một năm trước đó. Diễn ra sau đợt phát hành lớn 13,25 triệu tấn vào tháng 9, khi chính phủ tìm cách củng cố nền kinh tế bằng cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động và hưởng lợi từ lợi nhuận xuất khẩu.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 02/2023 tăng 136 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 02/2023 đạt 1,3 triệu thùng/ngày, tăng 50 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2022 tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 5,6 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng gia tăng chủ yếu đến từ mỏ cát dầu của tỉnh Alberta, nơi có mức sản lượng trung bình 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2022 đạt 65,76 triệu thùng/ngày, tăng 1,99 triệu thùng/ngày so với năm 2021. Dự báo năm 2023 tăng khoảng 1,43 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt trung bình 67,20 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Nga, trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Na Uy và Thái Lan.
Nhu cầu
Trung Quốc: Hoạt động kinh tế và xã hội phục hồi sau khi dỡ bỏ áp dụng biện pháp hạn chế do Covid-19. Nhu cầu xăng dầu đã tăng 0,9 triệu thùng/ngày trong tháng 02/2023. Sự phục hồi nhu cầu xăng dầu được thúc đẩy bởi nguyên liệu hóa dầu; Naphtha. Việc dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 đã dẫn đến du lịch hàng không phục hồi mạnh hơn dự kiến, theo đó nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu công bố ngày 13/4 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3/2023 tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước đó lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2020, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nhiên liệu và đón đầu đà phục hồi của nền kinh tế trong nước. Nhập khẩu dầu thô trong tháng 3/2023 đạt 52,3 triệu tấn, tương đương 12,3 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn đáng kể so với mức nhập khẩu 10,1 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 3/2022. Tính chung trong quý I/2023 năm 2023, tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở mức 136,6 triệu tấn, tăng 6,7% so với 127,9 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trên phù hợp với kỳ vọng các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động và tồn kho sản phẩm giảm do nhu cầu được cải thiện, sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào cuối năm ngoái.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng xuất khẩu sản phẩm nhiên liệu tinh chế tăng mạnh là nguyên nhân chính thúc đẩy nhập khẩu dầu thô tăng vọt. Trong tháng 02/2023, xuất khẩu sản phẩm tinh chế của Trung Quốc tăng 35,1% - từ 4,1 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2022 lên 5,5 triệu tấn.
Theo nhà phân tích Xu Peng thuộc công ty tư vấn JLC, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc sẽ tăng do biên lợi nhuận của mặt hàng xăng xuất khẩu hiện tại khá khả quan. Nhà phân tích cho biết thêm mức tăng trưởng nhu cầu dầu diesel thấp hơn dự kiến, trong khi tiêu thụ xăng nội địa tương đối ổn định.
Giới quan sát cũng dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa sẽ tăng, khi ngành hàng không Trung Quốc phục hồi với các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Ngoài ra, các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ cũng viện dẫn giá dầu thô mua từ Nga thấp hơn là một yếu tố thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu dầu thô cũng được dự kiến sẽ tăng tại các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn như Zhejiang Petrochemical (ZPC) và Hengli Petrochemical. Những nhà máy này được cho là đang hoạt động ở mức hoặc cao hơn công suất chính thức để thu lợi nhuận cao hơn từ mảng lọc dầu. Tính chung ZPC và Hengli hiện chiếm 6,5% trong tổng công suất lọc dầu của Trung Quốc.
Về khí đốt, Trung Quốc cũng nhập khẩu 8,9 triệu tấn khí đốt tự nhiên trong tháng 3/2023, tăng 11,2% so với 8,0 triệu tấn của cùng kỳ một năm trước. Tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu trong quý I/2023 ở mức 26,7 triệu tấn, giảm 3,6% so với năm ngoái.
Nhà phân tích Tina Teng thuộc trung tâm CMC Markets nhận định rằng chỉ số CPI tháng 3/2023 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, điều có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc kích thích nền kinh tế hơn nữa.
Với việc chính phủ tập trung vào việc phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay sau khi bỏ các biện pháp kiểm soát COVID, một số nhà phân tích đang kỳ vọng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023.
Ấn Độ: Nhu cầu xăng dầu của Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trong tháng 02/2023, tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với năm trước đó, đạt 5,5 triệu thùng/ngày. Nhu cầu xăng dầu được hỗ trợ mạnh bởi kinh tế tăng trưởng kể từ khi nới lỏng các hạn chế Covid-19.
Nhu cầu xăng dầu được thúc đẩy bởi hoạt động, sản xuất kinh doanh các ngành công nghiệp. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm.
Trong năm 2022, nhu cầu dầu đã phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha. Trong quý II/2023, nhu cầu dầu của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 01/2023, giảm 0,15 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ năm giảm liên tiếp.
Khu vực đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý I/2023 sẽ không cải thiện do tăng trưởng GDP của khu vực sẽ giảm. Ngoài ra, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới. Theo đó nhu cầu dầu trong quý I và quý II/2023 ở OECD dự kiến sẽ tăng nhẹ 30 nghìn thùng/ngày.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% mức tăng nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hạn chế sản xuất có thể gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.
Theo IEA, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày.
Dự báo của OPEC: Vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,89 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trước đó, ngày 14/2, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sau khi Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, chấm dứt chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt.
Trong báo cáo thị trường hằng tháng, OPEC cho rằng chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 sẽ là việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại bắt buộc và tác động của biện pháp này đối với Trung Quốc, khu vực và thế giới.
 

Nguồn: VITIC/Reuter/OPEC