Ngày 23/6 dầu Brent ở mức 73,85 USD/thùng và dầu thô Mỹ (WTI) đạt 69,16 USD/thùng; giá xăng RON92 đạt 83,89 USD/thùng, so với cuối tháng 5/2023, giá dầu Brent, dầu WTI và xăng RON 92 tăng hơn 1%.
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 vào ngày 12/6/2023. Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm xuống 71,84 USD/thùng; Giá dầu WTI giảm xuống 67,12 USD/thùng. Giá giảm sau khi Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu với lý do nguồn cung sẽ cao hơn dự kiến vào cuối năm 2023 và năm 2024.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2023, giá dầu Brent, dầu WTI và xăng RON 92 giảm khoảng 10-12%.
Những yếu tố tác động giá dầu tăng:
Thị trường dầu mỏ đã có phản ứng tích cực ban đầu trước quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5/2023 đã tăng lên mức cao thứ hai trong lịch sử, giúp thúc đẩy mức tăng của giá dầu.
Những yếu tố tác động giá dầu giảm:
Những lo ngại về suy thoái đang gia tăng sau các quyết định nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương và quan điểm nghiêng về thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Sự mạnh lên của đồng USD cũng đang đè nặng lên giá dầu, khiến dầu vốn là hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư cũng làm tăng giá trị của đồng USD.
Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí đi vay của người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu. Nhưng lo ngại về khả năng các ngân hàng trung ương tăng lãi suất đã phủ bóng lên triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Hoạt động kinh doanh của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào tháng 6/2023 do tăng trưởng dịch vụ lần đầu tiên giảm trong năm nay và đà sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất ngày càng sâu.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chững lại, với dữ liệu về thị trường bất động sản, sản xuất và tiêu dùng thấp hơn dự kiến trong vài tháng liên tiếp.
Các mối quan ngại về khả năng suy thoái kinh tế và nhu cầu dầu sụt giảm, đã “lấn át” các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt lại.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan trong tuần thứ tám liên tiếp. Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo về sản lượng trong tương lai, đã giảm 6 giàn xuống 546 giàn khoan trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Ngoài ra, sự gia tăng xuất khẩu dầu tư Iran tăng cũng gây sức ép lên giá dầu. Uớc tính, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 5/2023 giảm 1,02 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 100,2 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 5/2023 giảm 464 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,06 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Nigeria, Iran và Angola, trong khi sản lượng tại Saudi Arabia và UAE giảm.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 4/2023 giảm 176 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,9 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,6 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,4 triệu thùng/ngày khí NGL).
Theo cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng dầu xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 4/2023 tăng lên mức cao nhất kể từ khi xung đột giữa nước này với Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022. Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, doanh thu của Nga vẫn tăng 1,7 tỷ USD (gần 40.000 tỷ đồng). Xuất khẩu của Nga đã tăng lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2023, sản lượng này cao hơn 50.000 thùng/ngày so với tháng 3/2023. Thậm chí, Nga có thể đang tăng sản lượng để bù đắp cho phần doanh thu bị mất.
Năm 2022 sản lượng dầu mỏ tăng thêm 0,2 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt mức trung bình 11 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với báo cáo tháng trước. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,75 triệu thùng/ngày xuống mức 10,28 triệu thùng/ngày, mức tăng trưởng hàng năm không thay đổi so với báo cáo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 4/2023 giảm 78 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 4/2023 giảm 78 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,2 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày, tăng 151 nghìn thùng/ngày so với năm trước đó. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,5 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đợt đầu tiên của năm 2023 đối với các sản phẩm dầu tinh chế lên 18,99 triệu tấn, tăng 46% so với 13 triệu tấn một năm trước đó. Diễn ra sau đợt phát hành lớn 13,25 triệu tấn vào tháng 9, khi chính phủ tìm cách củng cố nền kinh tế bằng cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động và hưởng lợi từ lợi nhuận xuất khẩu.
Nhu cầu
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu tăng mạnh trong tháng 4/2023, tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi nhu cầu xăng dầu do hoạt động kinh tế tăng trường thúc đẩy tiêu thụ nguyên liệu hóa dầu; Naphtha. Việc dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 đã dẫn đến du lịch hàng không phục hồi mạnh hơn dự kiến, theo đó nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng 0,38 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng hành khách của ngành hàng không nội tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc trong tháng 6/2023 đã giảm một nửa so với tháng trước. Cụ thể, số lượng dầu Urals của Nga được vận chuyển từ các cảng Baltic và Biển Đen đến Trung Quốc đã giảm gần 50% từ ngày 1/6 đến ngày 19/6 so với cùng kỳ tháng 5 và đạt trung bình 212.000 thùng mỗi ngày. Con số này giảm từ mức 414.000 thùng mỗi ngày trong cùng kỳ tháng trước. Các nhà phân tích cho rằng việc nhập khẩu giảm là do các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc bị thiếu hạn ngạch nhập khẩu.
Trong tháng 5/2023, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao kỷ lục, do các nhà máy lọc dầu tư nhân tiếp tục mua sản phẩm dầu thô ESPO và Urals đang chịu trừng phạt với giá chiết khấu. Trong tháng 5/2023, Trung Quốc nhập khẩu 9,71 triệu tấn dầu từ Nga.
Trung Quốc tiếp tục mua năng lượng từ Nga trong bối cảnh kinh tế Nga đang chịu ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 190 tỷ USD trong năm 2022.
Giới quan sát cũng dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa sẽ tăng, khi ngành hàng không Trung Quốc phục hồi với các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Ngoài ra, các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ cũng viện dẫn giá dầu thô mua từ Nga thấp hơn là một yếu tố thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu dầu thô cũng được dự kiến sẽ tăng tại các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn như Zhejiang Petrochemical (ZPC) và Hengli Petrochemical. Những nhà máy này được cho là đang hoạt động ở mức hoặc cao hơn công suất chính thức để thu lợi nhuận cao hơn từ mảng lọc dầu. Tính chung ZPC và Hengli hiện chiếm 6,5% trong tổng công suất lọc dầu của Trung Quốc.
Trong quý II/2023, nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động trong ngành hàng không trong nước và quốc tế sẽ tăng mạnh, thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu máy bay. Trong quý III/2023, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng ở mức 0,8 triệu thùng/ngày.
Với việc chính phủ tập trung vào việc phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay sau khi bỏ các biện pháp kiểm soát COVID, một số nhà phân tích đang kỳ vọng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ giảm 10 nghìn thùng/ngày tháng 4/2023 so với năm trước đó. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm.
Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng, đạt 57,2 điểm trong tháng 4/2023 so với 56,4 điểm trong tháng 3/2023. Lạm phát giảm xuống 4,7% trong tháng 4/2023 từ mức 5,6% trong tháng 3/2023.
Trong năm 2022, nhu cầu dầu đã phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha. Trong quý II/2023, nhu cầu dầu của Ấn Độ được dự kiến sẽ tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.

Nguồn: VITIC/Reuter