Sáng nay (18/9), tọa đàm tham vấn Hỗ trợ phát triển ngành tài chính vi mô, hướng tới phổ cập tài chính được tổ chức bởi Ngân hàng Nhà nước và Nhân hàng Phát triển Châu Á (ADB) diễn ra tại TP.HCM.
Tại buổi tọa đàm, ông Eiichi Sasaki, Chuyên viên Tài chính cao cấp ADB cho biết, trong 5 năm (2010 - 2015), ADB đã hỗ trợ tín dụng cho Chính phủ Việt Nam 94,1 triệu USD để xây dựng khung pháp lý phát triển ngành tài chính vi mô cùng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật đi kèm.
Trong đó, ADB cung cấp tín dụng 90 triệu USD với mục tiêu kêu gọi Chính phủ thực hiện các hành động chính sách cải cách ngành theo định hướng thị trường, tập trung vào (1) Xây dựng môi trường chính sách pháp lý thuận lợi; (2) Tăng cường năng lực quản lý giám sát ngành ; (3) Tăng cường năng lực vận hành của các tổ chức cung ứng dịch vụ và (4) Phát tiển cơ sở hạ tầng tài chính hỗ trợ ngành.
Số tiền còn lại, ADB dành để hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) đi kèm như HTKT Chính thức hóa các tổ chức tín dụng vi mô; HTKT chính sách và tư vấn hỗ trợ Chương trình; HTKT tăng cường năng lực quản lý giám sát và hoạt động trong ngành...
Ông Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Đa biên Vụ hợp tác Quốc tế, NHNN cho biết thêm, lộ trình từ 2015 - 2020, ADB chưa đưa ra con số cấp tín dụng cho chương trình tài chính vi mô của Việt Nam vì còn phải dựa trên các đánh giá, cân nhắc về hiệu quả thực hiện trong 5 năm vừa qua.
Theo đánh giá của ông Trung, bản thân ngành tài chính vi mô là công cụ cực kỳ hiệu quả để xóa đói giảm nghèo. Khi chương trình này đi vào hoạt động, thị trường tài chính vi mô ắt hẳn sôi động hơn và mang tính cạnh tranh hơn.
Hiện tại, Việt Nam có 3 tổ chức tài chính vi mô hoạt động độc lập gồm TYM, M7 và Thanh Hóa. Trong 2,3 năm tiếp theo, ông Trung cho rằng sẽ có từ 3 đến 5 tổ chức được nâng cấp thành tổ chức tài chính vi mô cung cấp nguồn vốn giá rẻ, ưu đãi cho người nghèo.
Khổng Chiêm