Trao đổi Vinanet.vn , TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung Tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam cho rằng, giống như quyết định tăng khai thác thêm hơn 1 triệu tấn dầu thô cho năm 2015, việc Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạm ứng hoặc vay khoảng 30.000 tỷ đồng là do áp lực từ việc thu chi ngân sách.

Một trong những lý do đầu tiên khiến Bộ Tài chính phải tính đến việc “cầu cứu” Ngân hàng Nhà nước là do thu ngân sách Nhà nước tăng chậm. Lũy kế đến ngày 15/6, tổng thu ngân sách Nhà nước chỉ tăng 7,8% so với cùng kỳ, ít hơn so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 16,2%).

Nguyên nhân là do thu từ dầu thô đến thời điểm trên chỉ đạt 35% dự toán, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ 2014 và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có thuế suất cao tăng chậm so với cùng kỳ 2014.

Bên cạnh đó, áp lực chi ngân sách cũng đè nặng lên “túi tiền” quốc gia.

“Chi ngân sách quá nhiều. Năm 2014, Chính phủ đã chi tiêu quá mức Quốc hội cho phép, bội chi ngân sách vượt mức Quốc hội đặt ra. Cuối cùng, Quốc hội lại phải đồng ý cho phép tăng bội chi ngân sách từ mức 4,8% GDP lên 5,3% GDP” – TS Đỗ Đức Định nói.

TS Đỗ Đức Định lưu ý: “Những tháng đầu năm 2015 cho thấy, chi ngân sách vẫn tiếp tục tăng cao. Nếu bội chi ngân sách lại tiếp tục vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, giả sử Quốc hội lại đồng ý tăng bội chi như năm ngoái thì cần hết sức lưu ý”.

TS Đỗ Đức Định cũng cảnh báo tác động của đề xuất này đến lạm phát. Nếu Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho Bộ Tài chính vay 30.000 tỷ đồng thì phải chú ý đến lạm phát. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước sử dụng lượng tiền sẵn có để cho vay thì không lo, song nếu Ngân hàng Nhà nước phải in thêm tiền để hỗ trợ cho Bộ Tài chính thì có thể sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, đe dọa mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nợ công tăng cao cũng đang là vấn đề khiến Bộ Tài chính phải “đau đầu”. Trong cuộc họp báo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WorldBank), chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt cảnh báo, nợ công có xu hướng tăng sẽ gây áp lực lên nguồn trả nợ. Nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014.

“Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác”, chuyên gia WorldBank lưu ý.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WorldBank tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần củng cố tài khóa phù hợp với tăng trưởng để giảm bớt nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách, đồng thời phải hợp lý hóa nguồn chi và cải thiện hiệu quả đầu tư công.

TS Đỗ Đức Định chia sẻ, một số ý kiến cho rằng nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn, song quan điểm của ông là nợ công đã ở mức đáng báo động.


Phạm Hà Nam