Cuối năm 2015, NHNN ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Trong đó, NHNN quy định, đến hết ngày 31-3-2016, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang mua bán USD thuần túy đối với trường hợp vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.

Khi cơ chế này mới được ban hành, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã đưa ra những ý kiến trái chiều. Một bên thì cho rằng, với phương án điều hành tỷ giá ngoại tệ mới, các doanh nghiệp sẽ nhận được giá trị tương đương dù vay bằng ngoại tệ hay VND nên đây sẽ là cơ chế làm giảm tình trạng đô la hóa. Nhưng một bên lại cho rằng, việc giao dịch hiện nay giữa các doanh nghiệp, dù ở trong nước vẫn phải sử dụng USD để thanh toán nên cần có cơ chế để hỗ trợ.

Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, trên thực tế, những khách hàng có nhu cầu ngoại tệ chính đáng vẫn được vay ngoại tệ như trước đây. Nhóm đối tượng bị siết vay ngoại tệ là do nhóm này vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền VND sử dụng trong nước, nhằm hưởng lợi từ lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ.

Cũng theo ông Dũng, trước đây nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên NHNN hỗ trợ các đối tượng này được vay vốn để hưởng mức lãi suất thấp, sau đó bán lại tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi, cầu ngoại tệ tăng lên nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán, hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá đã làm cái lợi hưởng chênh lệch lãi suất không còn nhiều.

Hơn nữa, NHNN đã chọn thời điểm 31-3 để dừng hoạt động cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp có thể chủ động trong mua ngoại tệ trả nợ, nếu vào thời điểm tất toán các hợp đồng vay ngoại tệ (31-12-2015), những doanh nghiệp đang vay ngoại tệ sẽ phải mua ngoại tệ giá cao trong thời điểm cuối năm thường căng thẳng, từ đó sẽ kéo theo mất cân đối cung cầu ngoại tệ.

Về giải pháp cho đối tượng bị siết vay ngoại tệ, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay, doanh nghiệp có thể bán ngoại tệ kỳ hạn (giao dịch mua bán ngoại tệ theo tỷ giá được xác định vào ngày giao dịch, việc thanh toán được thực hiện vào một thời điểm xác định trong tương lai) do tỷ giá kỳ hạn thông thường sẽ cao hơn giá giao ngay đối với nguồn thu xuất khẩu giúp làm giảm chi phí vay vốn tiền đồng.

Trên thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp, NHNN đã và đang điều hành chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn VND với mức lãi suất hợp lý. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng thường có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp xuất khẩu cam kết bán ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu cho tổ chức tín dụng.

Nguồn: baohaiquan.vn

 

Nguồn: baohaiquan.vn