Thời điểm này, nông dân Tây Nguyên đang bước vào vụ chăm sóc cà phê, hồ tiêu. Khát vốn, bà con phải chạy vạy khắp nơi để có tiền đầu tư chăm sóc. Trong khi vay Ngân hàng phải thực hiện nhiều thủ tục, lại phải có thế chấp nên nhiều người đã chấp nhận vay nóng ở bên ngoài với lãi suất cao.
Trong khi người dân nghèo phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để phục vụ sản xuất, Ngân hàng chính sách xã hội tại địa phương đều cam kết không thiếu vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo và sẵn sàng tạo điều kiện cho bà con khi đủ điều kiện.
Về lý như vậy, tuy nhiên, thực tế các hộ nghèo cho biết, quy định mức vay tối đa là 50 triệu nhưng không mấy người vay được số vốn này. Họ chỉ vay được khoảng từ 10 đến 30 triệu nên không đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển cây trồng, buộc họ phải đi vay nặng lãi từ bên ngoài. Lãi suất vay này từ 30 đến 50%, gấp hàng chục lần so với vốn ưu đãi của Nhà nước.
Lợi dụng tình trạng người dân "khát vốn", nên tín dụng "đen" đang có chiều hướng lan rộng ở vùng nông thôn Tây Nguyên, núp bóng dưới dạng các đại lý thu mua nông sản, đại lý bán phân bón trả chậm… Nếu các địa không có biện pháp ngăn chặn, xử lý và không có phương án tháo gỡ vốn vay cho bà con, tình trạng này sẽ tiếp tục lan rộng và tác động không nhỏ tới đời sống và kinh doanh của bà con ở Tây Nguyên.
Theo Kiều Hoa
VTV