Vào tháng 7/2014, Moody’s nâng cấp xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ từ mức B2 lên B1 với triển vọng Ổn định, do sự ổn định kinh tế được cải thiện là một sự kiện đáng mừng cho Việt Nam. Đây là lần nâng mức tín nhiệm đầu tiên của Moody’s đối với Việt Nam kể từ năm 2005.
Sau đó, Hãng định mức tín nhiệm Fitch cũng nâng hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam từ B+ lên BB-. Đó là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ sẽ đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng quốc gia lên mức “Đầu tư” trong vòng 10 năm tới và sẽ hợp tác tích cực hơn với Moody’s hoặc các tổ chức xếp hạng khác để đặt ra một lộ trình cụ thể cho mục tiêu này.
Để đạt được mức tín nhiệm “Đầu tư”, Việt Nam cần phải được xếp hạng ở mức Baa3 theo chuẩn của Moody’s và tương đương BBB theo chuẩn của S&P hoặc Fitch. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng vì nhiều quỹ đầu tư toàn cầu có chính sách chỉ đầu tư vào các trái phiếu ở nhóm “Đầu tư”, do đó họ không được phép đầu tư vào trái phiếu chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, xếp hạng nợ của các công ty trong nước thường bị giới hạn bởi “trần quốc gia”, tức là rất khó cho một công ty ở Việt Nam có thể có mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn của Chính phủ. Các nhà đầu tư nước ngoài với chính sách không nắm giữ trái phiếu có độ tín nhiệm dưới nhóm “Đầu tư” sẽ không thể mua và giữ các trái phiếu từ các công ty Việt Nam.
Có thể thấy tác động của việc được xếp hạng trong nhóm “Đầu tư” tới lợi suất trái phiếu chính phủ khi nhìn sang các quốc gia láng giềng. Hiện tại, Indonesia và Philippines có xếp hạng Baa3 - mức thấp nhất trong nhóm “Đầu tư”. Thái Lan được đánh giá cao hơn hai cấp, ở mức Baa1. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm của Thái Lan là 2,11%, cao hơn 3,3% so với tỷ lệ lạm phát hiện đang âm. Trái phiếu chính phủ kì hạn 5 năm của Philippines được giao dịch ở mức 3,626%, cao hơn 3% mức lạm phát 0,6% của quốc gia này. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Indonesia đang được giao dịch ở mức lợi suất 9,23%, cao hơn so với tỷ lệ lạm phát 7,18%.
Ngược lại, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam hiện có mức lợi suất 6,7%, cao hơn hơn 6% so với tỷ lệ lạm phát. Nguyên nhân của việc mức lợi suất thực ở mức cao của trái phiếu là do xếp hạng tín nhiệm hiện đang ở mức thấp. Nếu được xếp hạng đánh giá ở nhóm “Đầu tư” và lạm phát ổn định, chi phí lãi vay bằng VND của Chính phủ Việt Nam có thể ở mức thấp hơn 4%, theo đó sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách.
Các công ty Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Chính phủ đã có những bước đi hiệu quả để được nâng mức xếp hạng gần đây. Đầu tiên là kiểm soát lạm phát xuống mức hiện tại chỉ còn 4,98% cuối tháng 6/2014 và 0,61% hiện nay. Mức lạm phát thấp đạt được một phần nhờ giá dầu thế giới giảm từ mức 107 USD/thùng tháng 6 năm ngoái xuống 47 USD/thùng hiện tại. Nhờ vậy giá xăng trong nước giảm 31,3% trong cùng giai đoạn. Điều này tác động đến mọi khu vực của nền kinh tế, đặc biệt là giảm giá cước vận chuyển các sản phẩm thiết yếu, và giúp làm giảm lạm phát.
Năm 2014, cán cân vãng lai thặng dư 9,7 tỷ USD cũng đã giúp bổ sung 8,4 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, mặc dù tỷ giá VND/USD bị điều chỉnh giảm 3% năm nay, cộng với việc nới lỏng biên độ giao dịch lên 3%, nhưng VND giảm giá không nhiều so với các đối tác nhập khẩu (nhất là Trung Quốc). Điều này giữ cho giá hàng hóa nhập khẩu trong vòng kiểm soát.
Tuy nhiên, để chuyển từ mức hiện nay, ví dụ của Moody’s là B1 lên bảy cấp đạt Baa3 – mức “Đầu tư” là không dễ dàng. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ phải giải quyết nhiều vấn đề.
Tính đến hết tháng 8, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). đã mua 280.000 tỷ đồng nợ xấu. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng giảm mạnh từ mức 305.300 tỷ đồng vào tháng 9/2012 xuống còn 160.000 tỷ đồng cuối tháng 6/2015. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) cũng giảm mạnh từ mức đỉnh 17% xuống còn 3,72% trong cùng kỳ và nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới 3% cuối năm nay như kế hoạch.
Chi tiêu ngân sách 8 tháng đầu năm tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng thu ngân sách. Do vậy, thâm hụt ngân sách đạt 115.1800 tỷ đồng, tương ứng 51% kế hoạch năm. Mặc dù giá dầu giảm mạnh và phát hành trái phiếu gặp khó khăn, nhưng thu ngân sách vẫn được dự đoán đạt và có khả năng vượt dự toán năm nay.
Dự trữ ngoại hối cũng là một tiêu chí quan trọng của định mức tín nhiệm quốc gia. Chiến lược dễ thấy của Chính phủ nhằm tăng dự trữ ngoại hối thông qua việc tham gia vào các hiệp định tự do thương mại và thu hút FDI đã và sẽ tiếp tục giúp Việt Nam gia tăng dự trữ ngoại hối đồng thời hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Điều này luôn được các hãng định mức tín nhiệm đánh giá tích cực.
Theo Barry David Weisblatt
Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán VPBank
Báo Đầu tư