Người ta tự hỏi chuyện gì đã xảy ra ở Đông Á - một trong những tổ chức tín dụng cổ phần hàng đầu về công nghệ thẻ và dịch vụ ngân hàng bán lẻ?
Cho đến nay Đông Á vẫn là ngân hàng Việt Nam duy nhất có thể làm ra (xin nói là “làm ra” chứ không phải lắp ráp, tức là sở hữu công nghệ) máy ATM có chức năng bán vàng tự động. Còn những nghiệp vụ như gửi tiền qua ATM, đổi ngoại tệ (đô la Mỹ) ra tiền đồng và những chức năng khác, Đông Á đã áp dụng từ lâu. Năm 2005 khi mà công nghệ thẻ của các ngân hàng khác còn rất đơn giản, Đông Á đã có chuyên gia tầm cỡ quốc tế về thẻ. Họ mời những Việt kiều giỏi đã từng làm việc lâu năm cho CitiBank về phụ trách trung tâm thẻ.
Đông Á cũng từng là ngân hàng Việt duy nhất nằm trong mối quan tâm của CitiBank khi năm 2006-2007 họ đàm phán bán cổ phần cho đối tác Mỹ này. Phía CitiBank cử một đoàn chuyên gia 60 người dày dạn kinh nghiệm từ Trung Quốc và các nước khu vực sang thương lượng với Đông Á. Cuộc “hôn nhân” lẽ ra đã có thể kết thúc tốt đẹp nếu Đông Á chấp nhận giá chào mua 48.000 đồng/cổ phiếu của CitiBank, chứ không phải mức 60.000 đồng/cổ phiếu mà họ đòi hỏi.
Ngày ấy Đông Á nằm trong tốp ba ngân hàng cổ phần, ngang ngửa với ACB và Sacombank. Đông Á không chủ trương mở rộng mạng lưới, mà tập trung “đào sâu cuốc bẫm” mảng bán lẻ với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cho đến ngày bị kiểm soát đặc biệt, họ có 7 triệu khách hàng, con số mà nhiều ngân hàng cổ phần mơ ước.
Riêng mảng huy động vốn, Đông Á cũng rất khá. Lãi suất tiết kiệm cả ngoại tệ lẫn tiền đồng của ngân hàng bao giờ cũng thấp hơn các đồng nghiệp chút đỉnh, tỷ giá mua bán ngoại tệ không cạnh tranh, nhưng họ có tỷ lệ tiền gửi của dân cư cao. Họ cũng không chạy đua tín dụng, không ào ạt tung vốn ra thị trường. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, đến cuối năm ngoái dư nợ tín dụng của Đông Á chỉ 50.897 tỉ đồng, trong khi tổng vốn huy động lên tới 77.417 tỉ đồng, tức tỷ lệ cho vay/huy động 65,7%, rất thấp.
Ai đó nói rằng Đông Á nhào vô cho vay bất động sản, dẫn đến nợ xấu cao là võ đoán. Đông Á có những khoản tài trợ bất động sản như dự án tòa nhà M&C trên đường Hàm Nghi, quận 1, TPHCM hay cho Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt vay, nhưng đa số các khoản vay ấy đều có thể tái cơ cấu.
Tòa nhà Hàm Nghi là cho vay hợp vốn với 3-4 ngân hàng và tài sản thế chấp có thể xử lý được bởi không ít đối tác cả trong và ngoài nước muốn mua lại dự án. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Đông Á, trong nhiều năm, là dân tài chính thứ thiệt, gắn bó cả đời với ngân hàng, làm ngân hàng, chứ không phải dạng đầu cơ buôn bán. Ông và các thành viên ban giám đốc tương đối bảo thủ trong tín dụng, cho vay có thẩm định cân nhắc. Nếu ai đã một lần vay tiền của Đông Á, đều thấy các thủ tục được tiến hành nghiêm chỉnh theo quy định, và có lẽ vì vậy nên chậm, hơi mất thời gian.
Cái gì, nghiệp vụ nào, lĩnh vực hoạt động nào đã khiến Đông Á lâm vào tình trạng không lạc quan hiện nay? Những năm gần đây ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao cho nợ xấu, dẫn đến lợi nhuận teo tóp, cổ đông không có cổ tức. Các đợt tăng vốn đều không thành công. Phải chăng Đông Á nhiều khả năng đã bị mất vốn vào một khe cửa hẹp nào đó?
Những nhà phân tích chuyên đọc báo cáo tài chính thắc mắc vì sao Đông Á lại để một khoản tiền huy động được “rong chơi” nhiều đến thế, tới 26.520 tỉ đồng trong khi các tổ chức tín dụng chỉ để tầm 10-15% vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản, tức 7.000-10.000 tỉ đồng là đủ? Số tiền huy động được để không ấy bù đắp cho khoản nào đây? Xin thưa, đó là vàng!
Trong cuộc trao đổi gần đây với người viết bài này, một quan chức cấp cao của NHNN “bật mí” Đông Á đã “trượt chân” vì kinh doanh vàng và không loại trừ khả năng kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài
Đại diện NHNN nhận xét Đông Á có nền tảng ngân hàng cơ bản tốt nên không khó để khôi phục. Tập đoàn Kinh Đô và một số đối tác khác, trong trường hợp muốn tham gia vào Đông Á, có thể phải bỏ vào 3.000-5.000 tỉ đồng. Thị trường ngờ rằng nhu cầu phải đầu tư số tiền lớn đến mức đó đã khiến Kinh Đô suy tính lại.
Giống như một số ngân hàng gặp phải “sự cố”, NHNN thông qua BIDV đang hỗ trợ Đông Á về mọi mặt từ nghiệp vụ kỹ thuật đến thanh khoản. Lợi ích người gửi tiền chắc chắn được đảm bảo. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cho TBKTSG biết trước mắt BIDV có đủ nguồn lực để hỗ trợ Đông Á hoạt động bình thường, còn việc liệu Đông Á có hợp nhất vào BIDV, quyền quyết định thuộc về NHNN.
Sau khi tham khảo ý kiến của các nguồn tin đáng tin cậy, chúng tôi mạnh dạn dự đoán Đông Á với nội lực sẵn có, sau cơn “sóng gió” sẽ trụ lại như một tổ chức tín dụng cổ phần mà không sáp nhập, cập vào một bến bờ ngân hàng nào đó.
Theo Hải Lý
TBKTSG