Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ ngoại tệ toàn hệ thống cho đến trước thời điểm điều chỉnh tỷ giá khoảng 25 tỉ đô la Mỹ. Sau khi điều chỉnh tỷ giá, tỷ lệ cho vay ngoại tệ trên huy động ngoại tệ giảm mạnh về 80% so với trên 90% trước đó. Dư nợ ngoại tệ có thể cũng đã giảm do vừa qua nhiều doanh nghiệp trả nợ trước hạn. Như vậy tổng vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng hiện tại ở đâu đó quanh 20-25 tỉ đô la Mỹ. Con số này có thể tăng lên vì trong tháng 8-2015 tiền gửi ngoại tệ của dân cư và tiền gửi thanh toán bằng đô la Mỹ của ngân hàng tăng vọt.

Giả sử vốn huy động ngoại tệ toàn hệ thống đạt 20 tỉ đô la Mỹ, một nửa đến từ dân cư, một nửa của doanh nghiệp, thì lãi suất tiền gửi đô la Mỹ giảm từ 0,75% về 0,25%/năm đối với dân cư và từ 0,25% về 0% đối với tổ chức kinh tế, đã giúp các ngân hàng giảm chi phí trả lãi hàng chục triệu đô la Mỹ. Do lãi suất thấp và lãi suất các kỳ hạn gửi đều giống nhau và đều kịch trần, kể cả khi còn ở mức 0,75%/năm, hầu hết người ta gửi ngoại tệ kỳ hạn một tháng. Lợi ích cho các ngân hàng, vì thế, đến sớm, không cần phải đợi đáo hạn các kỳ hạn như tiết kiệm tiền đồng.

Thế nhưng lãi suất cho vay đô la Mỹ, theo phản ánh của doanh nghiệp, chưa giảm như mong muốn, vẫn ở trong khung 3-6%/năm tùy uy tín bên vay. Lãi suất vay ngoại tệ ở ngân hàng nước ngoài nhìn chung thấp hơn của ngân hàng trong nước.

Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có nguồn thu ngoại tệ nói họ đang vay ngân hàng nước ngoài lãi suất 3-3,5%/năm (đô la Mỹ) cho kỳ hạn 3-6 tháng. Ngân hàng trong nước chào họ lãi suất 4-4,5%/năm. Một số ngân hàng cho biết nhu cầu vay ngoại tệ khó tăng thêm trong bối cảnh khách hàng vẫn đang canh chừng biến động tỷ giá. Hơn nữa, ngân hàng cũng không muốn giãn khoảng cách cho vay tiền đồng và ngoại tệ quá xa, nhất là xu hướng đi lên của lãi suất tiền đồng đang thể hiện ngày một đậm nét.

Giảm lãi suất vay ngoại tệ hiện có ý nghĩa nhất với các nhà chế biến, xuất khẩu thủy sản như cá tra, tôm - hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt ở thị trường Mỹ, sự bấp bênh giá trị của đồng rúp Nga so với đô la Mỹ đã khiến xuất khẩu mặt hàng này giảm tương đối so với cùng kỳ. Một số công ty xuất khẩu cá tra đã buộc phải trữ hàng trong nước chờ thời điểm giá lên, đồng thời không thể ngưng khâu nuôi trồng chế biến.

Xuất khẩu tôm còn khó khăn hơn do các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia phá giá mạnh đồng tiền của họ. Hàng tồn kho của công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam Minh Phú, theo báo cáo tài chính bán niên 2015, đã tăng vọt gần 50% lên 6.180 tỉ đồng, kéo theo nợ vay lên gần 3.000 tỉ đồng, tăng gấp sáu lần so với đầu năm. Minh Phú vay ngoại tệ không ít.

Một doanh nghiệp đề nghị không nêu tên tính toán lãi suất vay ngoại tệ nên được đưa về mức 2,5-3%/năm, tức giảm tầm 50-60% so với hiện tại và vẫn thấp hơn mức giảm lãi suất huy động, để giúp các công ty giảm chi phí tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mức trên cũng đảm bảo cho ngân hàng có lãi sau khi trừ chi phí huy động vốn và dự trữ bắt buộc. Vay ngoại tệ là chấp nhận rủi ro tỷ giá, lãi suất vay phải hấp dẫn, đủ bù đắp rủi ro, thì bên vay mới chấp nhận.

Nếu lãi suất vay ngoại tệ hạ, lãi suất đầu ra tiền đồng có khả năng giảm theo, bất chấp các ngân hàng không muốn điều này. Để hỗ trợ mặt bằng lãi suất đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước phải đẩy nhanh hơn mức tăng tổng phương tiện thanh toán (mới chỉ đạt 8,88% trong chín tháng đầu năm so với chỉ tiêu 15-17% cả năm), giúp tăng thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Đáng lẽ điều này đã phải được thực hiện sớm khi chỉ số CPI từ đầu năm đến nay rất thấp và dự kiến trên dưới 1% năm nay.

Tuy nhiên lãi suất tiền đồng dường như đang được chủ động giữ ở mức cao để hỗ trợ tỷ giá nhiều hơn là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay. Một động thái như vậy đang đi ngược lại xu thế thị trường và có thể khiến doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phải trả giá.

Lãi suất tiết kiệm ngoại tệ ở Việt Nam đang thấp nhất thế giới, thấp hơn cả ở châu Âu, Mỹ. Đã có những băn khoăn liệu tới đây Ngân hàng Nhà nước có tiến tới ứng xử với ngoại tệ như ứng xử với vàng, tức gửi đô la Mỹ ở ngân hàng phải trả phí như gửi vàng hiện nay? Người dân có quyền sở hữu ngoại tệ, nhưng luật không yêu cầu ngân hàng huy động vốn ngoại tệ phải trả lãi cho người gửi. Băn khoăn có thể chưa lan rộng, nhưng không phải không nên chú ý một khi nó đã xuất hiện.

Theo Lưu Hảo
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG