Ngày mai, Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã: MBB) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường với nội dung chính là nhận sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà (SDFC – SDF).
Phát hành hơn 31 triệu cổ phần sáp nhập
Theo tờ trình sáp nhập, MBB sẽ phát hành 31,18 triệu cổ phần bằng phương thức chào bán cổ phần để sở hữu toàn bộ cổ phần đang lưu hành của SDFC.
Tỷ lệ phát hành 2,2:1, tức 2,2 cổ phần SDFC đổi 1 cổ phần MBB. Toàn bộ số cổ phần phát hành thêm này sẽ được lưu ký và niêm yết bổ sung tại Sở GDCK TPHCM (HoSE). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2015.
Sau khi nhận sáp nhập SDFC, mức vốn điều lệ của MBB đạt 16.311,82 tỷ đồng. Danh sách cổ đông lớn sau sáp nhập như sau:
Cũng theo đề án, MBB sẽ là đại diện làm đầu mối xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập. Sau khi sáp nhập, nếu phát hiện có những vấn đề ngoài sổ sách hoặc không được bàn giao thì lãnh đạo SDFC phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Ngân hàng sau sáp nhập sẽ tiếp nhận và bố trí làm việc phù hợp cho những cán bộ, nhân viên đang làm việc cho SDFC tại ngày sáp nhập, ngoại trừ các trường hợp thành viên HĐQT, BKS được bầu bởi HĐQT SDFC và Tổng giám đốc SDFC được thuê và bổ nhiệm bởi HĐQT công ty này.
Kể từ ngày sáp nhập, MBB sẽ cử cán bộ, nhân viên của ngân hàng này sang tham gia quản lý và điều hành mọi hoạt động của SDFC. Còn với SDFC, thỏa thuận yêu cầu không được tăng các khoản chi trả cho người lao động, nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ, không đầu tư góp vốn, mua cổ phần hay chi trả cổ tức. Mọi vấn đề khác phải được sự đồng ý của MBB.
SDFC cũng không được tuyển dụng hay bổ nhiệm nhân sự mới; phải kê khai đầy đủ và chính xác toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ tính đến ngày chuyển giao tài sản. Các cổ đông tổ chức của SDFC, đặc biệt là Tổng công ty Sông Đà, có trách nhiệm thực hiện các thủ tục nội bộ để ĐHCĐ của SDFC thống nhất cho SDFC nhập vào MBB.
|
Lộ trình sáp nhập |
Thành lập Công ty tài chính Tiêu dùng MB
Cũng theo nội dung đề án sáp nhập, MBB sẽ thành lập Công ty Tài chính tiêu dùng MB có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, thành lập ngay sau khi NHNN chấp thuận.
MBB kiến nghị NHNN chấp thuận cho MBB thành lập Công ty tài chính tiêu dùng đồng thời với việc nhận sáp nhập SDFC.
Công ty này sẽ được thành lập nhằm gia tăng thị phần và nâng cao lợi nhuận của MBB, chuyên biệt hóa mảng tín dụng tiêu dùng.
Dự kiến, nhân sự năm đầu tiên gồm 72 cán bộ và 89 cộng tác viên. Năm thứ 5, nhân sự chính thức là 120 nhân viên và 200 cộng tác viên.
MBB cũng kiến nghị Ngân hàng nhà nước cho phép Công ty tài chính tiêu dùng MB được triển khai tích hợp các sản phẩm liên kết với Viettel và MB để hỗ trợ khách hàng.
Đồng thời, kiến nghị NHNN có ý kiến với Bộ tài chính/cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan xem xét chấp thuận cho MB và công ty tài chính tiêu dùng MB được giãn, miễn, giảm thuế TNDN trong 5 năm đầu sau sáp nhập.
Cụ thể, đối với MB, được miễn 20% thuế TNDN trong 3 năm tài chính đầu tiên sau khi sáp nhập.
Đối với công ty tài chính tiêu dùng MB, miễn 100% thuế TNDN trong 3 năm tài chính đầu tiên kể từ khi thành lập; miễn 50% thuế TNDN trong 2 năm tài chính tiếp theo.
|
Doanh thu, chi phí dự kiến trong 5 năm đầu của
Công ty Tài chính tiêu dùng MB |
Khổng Chiêm