Chiều nay (14/7), Ngân hàng TMCP Phương Nam – Southern Bank (PNB) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2015 thông qua việc sáp nhập vào Sacombank (STB). 

HĐQT trình cổ đông các nội dung liên quan tới sáp nhập gồm đề án sáp nhập, phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi, dự thảo hợp đồng sáp nhập, dự thảo điều lệ…

Hoàn tất thủ tục sáp nhập trong quý IV/2015

Tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:0.75, theo đó 1 cổ phần PNB sẽ đổi lấy 0,75 cổ phần STB. Với tỷ lệ hoán đổi 1:0,75, Sacombank cũng sẽ trình NHNN chấp thuận cho việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông để với tỷ lệ 8,7%.

Với việc giữ nguyên vốn điều lệ Southern Bank, Sacombank dự kiến phát hành 400 triệu cổ phần hoán đổi, thời hạn phát hành 90 ngày kể từ ngày UBCKNN cho phép.

Về lộ trình sáp nhập, Sacombank và Southern Bank sẽ họp Đại hội cổ đông trong tháng 7/2015; Trình NHNN chấp nhuận sáp nhập chính thức và hoàn tất thủ tục sáp nhập trong quý III/2015. Thủ tục sau sáp nhập sẽ được hoàn tất trong quý IV/2015.

Tại Đại hội cổ đông bất thường 2015 của Sacombank diễn ra ngày 11/7, Sacombank công bố kết luận của thanh tra NHNN TPHCM, nợ xấu của PNB tại thời điểm 30/6/2012 ở mức 18.786 tỷ đồng, việc trích lập dự phòng có thể ảnh hưởng kết quả kinh doanh của Ngân hàng. 

Đối với khoản nợ xấu này, Southern Bank đã thực hiện xử lý thu hồi nợ 9.188 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC 1.444 tỷ đồng năm 2013, bán tiếp cho VAMC hơn 600 tỷ đồng trong tháng 12/2014. Do đó, nợ xấu của PNB theo đánh giá vào khoảng 4.361 tỷ đồng vào cuối năm 2014.

Về khoản lãi và phí phải thu, PNB đã ghi nhận vào thu nhập trong bảng kết quả kinh doanh nhưng thực tế chưa thu khách hàng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh nhiều năm qua bị âm tác động rất nhiều đến thanh khoản ngân hàng. Nếu phải thoái khoản thu nhập từ nguồn lãi dự thu này, kết quả kinh doanh của STB sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Nếu thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra NHNN thì tỷ lệ an toàn vốn tổi thiểu của PNB sẽ không đảm bảo theo quy định vì vốn tự có có thể bị âm nếu ghi nhận các khoản chi phí do tăng trích lập chi phí dự phòng và xuất toán các khoản thu nhập với lãi dự thu. Các tỷ lệ về đầu tư cấp vốn cũng sẽ bị vướng vì có khả năng chưa tuân thủ theo quy định của NHNN. Do đó PNB sẽ phải tăng vốn hoặc sáp nhập với TCTD khác để đảm bảo an toàn hoạt động.

Tại ĐHCĐ bất thường Sacombank, 94% cổ đông đã biểu quyết thông qua phương án sáp nhập này.  Ngân hàng sau sáp nhập có vốn điều lệ 18.852,65 tỷ đồng - nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP Việt Nam về vốn điều lệ, tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động 567 điểm giao dịch trải, bao gồm cả tại Campuchia và Lào. Tổng số lượng khách hàng đạt khoảng 3,5 triệu khách hàng và có tổng số nhân viên đạt trên 15.510 cán bộ.

Sẽ lập chi nhánh Ngân hàng sau sáp nhập ở miền Bắc

Về mạng lưới, ngân hàng sáp nhập (NHSN) sẽ trình NHNN cho phép chuyển đổi giấy phép 12 chi nhánh tại các địa bàn có chi nhánh trùng nhau đến các tỉnh khu vực miền Bắc mà chưa có sự hiện diện của ngân hàng trong giai đoạn 2015 – 2018. Đồng thời thành lập mới 12 phòng giao dịch trên cơ sở các chi nhánh đã dời đi này để tiếp tục phục vụ khách hàng hiện hữu.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng trình NHNN cho thành lập mới 18 điểm giao dịch trong đó có 3 chi nhánh và 15 phòng giao dịch đã có chủ trương của NHNN tỉnh/thành và văn bản đề nghị từ UBND tỉnh/thành nhằm phục vụ nhu cầu phát triển KTXH địa phương.

Đồng thời, thành lập mới 52 phòng giao dịch tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa theo chủ trương phát triển nông nghiệp nông thôn và kinh tế xã hội tại các địa phương của Chính phủ và NHNN trên cơ sở phát huy thế mạnh về hoạt động bán lẻ của NHSN.

Như vậy, tổng số điểm giao dịch của NHSN sau khi được NHNN chấp thuận là 649 điểm, gồm 112 chi nhánh, 526 phòng giao dịch trong nước cùng ngân hàng con và 9 chi nhánh ở nước ngoài.

Ngân hàng cũng sẽ trình NHNN cho lập mới 3 công ty bao gồm công ty tài chính, công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Sau sáp nhập ngân hàng như vậy sẽ có 9 đơn vị trực thuộc liên quan

Khổng Chiêm