Ngày 1/6/2015, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh đã ký ban hành Thông tư số 06/2015/TT-NHNN "Quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng".
Thông tư có hiệu lực từ 15/7/2015, gỡ những nút thắt trong việc thoái vốn của các cổ đông sở hữu vượt giới hạn và có những chế tài đối với trường hợp không thực hiện đúng hạn.
HĐQT, TGĐ, BKS ngân hàng được giảm sở hữu khi đương chức
Điều 2 của Thông tư quy định Tổ chức tín dụng (TCTD) và cổ đông, nhóm cổ đông liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn sẽ cùng phối hợp lập kế hoạch này bao gồm các nội dung như danh sách cổ đông nhóm cổ đông; Biện pháp và lộ trình khắc phục sở hữu cổ phần vượt giới hạn; cam kết của TCTD về việc phối hợp đôn đốc thực hiện việc khắc phục theo đúng lộ trình. Thời hạn lập kế hoạch khắc phục là 30 ngày sau khi Thông tư có hiệu lực và đảm bảo chậm nhất là 31/12/2015 tỷ lệ sở hữu của cổ đông tuân thủ theo quy định.
Trong thời hạn triển khai kế hoạch khắc phục, cổ đông, nhóm cổ đông đang sở hữu vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại TCTD dưới mọi hình thức, trừ trường hợp cổ phiếu thưởng hoặc mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định.
Đồng thời, kể từ ngày thông tư có hiệu lực,
TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho các cổ đông sở hữu vượt giới hạn cũng như người có liên quan tới các cổ đông này.
Một quy định quan trọng là cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức có đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, thành viên BKS, Tổng giám đốc đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn được phép chuyển nhượng cổ phần vượt giới hạn. Quy định này nhằm gỡ bỏ nút thắt khi hiện tại, hàng loạt cổ đông có lượng sở hữu vượt giới hạn đang nắm các vị trí lãnh đạo tại ngân hàng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, điều 56 Luật các tổ chức tín dụng, các đối tượng này không được chuyển nhượng cổ phần của trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.
Cổ đông sở hữu vượt giới hạn không được ứng cử HĐQT, bổ nhiệm làm TGĐ
Điều 3 Thông tư quy định, sau thời hạn chót để giảm tỷ lệ sở hữu (31/12/2015) hoặc sau thời hạn nêu trong phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan chưa đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo qui định sẽ không được chấp thuận ứng cử bầu làm thành viên HĐQT, BKS, bổ nhiệm Tổng giám đốc cũng như không xem xét việc đề cử nhân sự tham gia HĐQT, BKS từ những cổ đông này.
Đồng thời, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu vượt giới hạn cũng sẽ không được tăng lượng cổ phần nắm giữ dưới mọi hình thức, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt nếu có đối với phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu.
Thậm chí, có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn với TCTD có có cổ đông, nhóm cổ đông liên quan sở hữu vượt giới hạn là cơ cấu lại TCTD.
Điều 55. Tỷ lệ sở hữu cổ phần
1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu cổ phần theo quy định tại khoản 3 Điều 149 của Luật này để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;
b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.
3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
4. Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.
5. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.