GDP của quý III/2015 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,5% trong quý II/2015 và 6,1% của quý I/2015. Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 10/2015 của HSBC nhận xét, đóng góp chính cho 1 điểm phần trăm khác biệt giữa quý III/2015 và quý I/2015 đến từ hoạt động mạnh mẽ của khu vực xây dựng (0,05 điểm phần trăm) và dịch vụ (0,03 điểm phần trăm). Nói theo cách khác: nhu cầu nội địa đã quay trở lại.


Việc phục hồi tuy chậm nhưng bền vững của nền kinh tế cũng được phản ánh thông qua các thông số về tín dụng. Cho vay đã tăng trưởng đạt 18,2% trong 8 tháng so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 10,8% của một năm về trước.

Với giá dầu dự kiến tiếp tục giảm và viễn cảnh giảm giá của tiền đồng được kiềm chế, HSBC cho rằng áp lực giá trong ngắn hạn khá ít đủ để cho phép NHNN giữ lãi suất thị trường mở OMO ổn định ở 5%.

Tuy nhiên, với tăng trưởng mạnh có thể tiếp diễn ở những quý sau, HSBC thấy lạm phát sẽ ra khỏi đáy ở quý IV/2015 và phục hồi ở mức 3,3% so cùng kỳ năm vào cuối của nửa đầu năm 2016, một phần do hiệu ứng giá thuận lợi.

HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng 5,2% so cùng kỳ năm vào cuối năm 2016. Lãi suất sẽ được giữ không thay đổi trong suốt nửa đầu năm 2016, nhưng với nền kinh tế đang có đà đạt tăng trưởng cao hơn, HSBC nghĩ lãi suất chính sách sẽ được tăng thêm 0,5% vào quý III/2016.
Một lý do khác để HSBC cho rằng bước tiếp theo của NHNN có thể tăng lãi suất chính sách chứ không giảm, là thâm hụt thương mại. Xuất khẩu giảm cùng với nhu cầu nội địa phục hồi có nghĩa rằng cán cân thương mại của Việt Nam lại rơi vào thâm hụt. Mặc dù chưa tới mức báo động, điều đáng lo là thâm hụt được thúc đẩy bởi thâm hụt gia tăng trong khu vực các công ty trong nước.

Thục Anh