Trước diễn biến nóng của tỷ giá, sáng nay Ngân hàng Nhà nước đã triệu tập cuộc họp khẩn do thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình chủ trì, với sự tham gia của chủ tịch và tổng giám đốc các ngân hàng thương mại. Cam kết không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm một lần nữa được đưa ra. Lãnh đạo một nhà băng thương mại cổ phần cho biết, để giải tỏa tâm lý cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị sớm chấm dứt tình trạng găm giữ đôla và đáp ứng nhu cầu mua của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần, theo nhu cầu của các ngân hàng thương mại.
Diễn biến căng thẳng của đôla gần đây theo đánh giá của nhiều ngân hàng thương mại chủ yếu đến từ tâm lý gom đôla tại các doanh nghiệp. "Nhiều hợp đồng kỳ hạn của các doanh nghiệp sang năm mới đến hạn nhưng vì tâm lý USD tăng nên họ bằng mọi cách mua gom từ bây giờ, đẩy tình hình thêm căng thẳng", lãnh đạo một ngân hàng nói.
Tâm lý gom USD của doanh nghiệp khiến họ phải vay nhiều tiền đồng để mua ngoại tệ hơn thường lệ, do đó, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Để giải quyết tình trạng này, đại diện một số ngân hàng đề xuất tăng lãi suất VND. Tuy nhiên, trong cuộc họp sáng nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định sẽ chưa tính đến việc tăng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các nhà băng tạm thời hạn chế ký các hợp đồng kỳ hạn một năm và rút ngắn thời hạn các hợp đồng kỳ hạn.
Sau hai đợt điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ của Ngân hàng Nhà nước, đầu tuần này, tỷ giá trên thị trường nóng trở lại, trong ngân hàng đã kịch trần cho phép còn ngoài tự do đã lên đến 22.900 đồng. Tuy nhiên, theo bản tin nợ mới cập nhật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mức độ mất giá của tiền đồng chỉ thuộc hàng trung bình so với các quốc gia Đông Nam Á.
Từ đầu năm đến 24/8, 10 đồng tiền trong khu vực đều giảm giá so với USD, mạnh nhất là đồng Kyat của Myanmar mất gần 25%, Ringgit của Malaysia mất 19%, đồng Rupiah của Indonesia mất 12,5%... Một tuần sau khi tăng biên độ điều chỉnh tỷ giá lên 2%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại tiếp tục nới biên độ lên 3% và tăng tỷ giá thêm 1% vào ngày 19/8.
So với đầu năm 2008, tiền đồng đã mất giá gần 30% so với USD, chỉ thấp hơn mức biến động của Indonesia là 35%. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, tiền đồng được kiểm soát tương đối ổn định trong khi tiền tệ của Indonesia, Malaysisa, Thái Lan, Singapore... đều lao dốc.
Trong một cuộc họp ngày 18/8, Ngân hàng Trung ương Indonesia vẫn kiên quyết giữ lãi suất cơ bản ở mức 7,5%, được duy trì suốt từ tháng 2 đến nay dù tỷ giá chịu áp lực lớn. Việc kiểm soát này được đánh giá nhằm kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu 3-5%. Indonesia cũng cam kết đảm bảo ổn định đồng Rupiah sau những biến động bất thường trên thị trường ngoại hối.
Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc, sau Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch thương mại của nước này năm 2014, với giá trị 480 tỷ USD. Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước Đông Nam Á, riêng Việt Nam năm ngoái đã nhập siêu gần 29 tỷ USD từ thị trường này.
Theo Thanh Lan - Phương Linh
VnExpress