Thông tin được ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng".

Trong năm nay, 3 ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng sau khi không đáp ứng được việc huy động vốn điều lệ đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

3 ngân hàng này được chuyển sang mô hình ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước là Ngân hàng TNHH Xây dựng (CB), Ngân hàng TNHH Xăng dầu Việt Nam (GPBank) và Ngân hàng TNHH Đại Dương (Ocean Bank).

Theo ông Nghĩa, việc xử lý nợ xấu cũng như xử lý ngân hàng yếu kém của Việt Nam đảm bảo cơ chế đặc thù là không sử dụng Ngân sách Nhà nước. Sau khi được mua lại, các ngân hàng này huy động được nguồn vốn từ 4 nguồn chính, đều không phải từ vốn ngân sách.

Thứ nhất, huy động vốn từ người dân, nền kinh tế - đây là nguồn vốn quan trong và căn cơ. Từ khi NHNN sở hữu 100% ngân hàng thì uy tín đã quay trở lại với các ngân hàng này, dòng tiền gửi mới đã xuất hiện trở lại, chặn đứng việc rút tiền hàng loạt.

Theo ông Nghĩa, hiện dự trữ thanh khoản của CB là 1.000 tỷ đồng, của GPBank là 3.000 tỷ đồng còn của Ocean Bank là 7.000 tỷ đồng. "Đây là khoản vốn đảm bảo chi trả cho người dân và nguồn vốn mới cho hoạt động".

Thứ 2, là nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng được NHNN chỉ định cử người sang tiếp quản và điều hành. NHNN chỉ lấy người của VietinBank, tiền vẫn là của NHNN.

Thứ 3, nguồn tiền từ việc xử lý tài sản không sinh lời và nợ xấu, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tài sản của các tổ chức tín dụng trước khi được mua lịa.

Thứ 4 là nguồn vốn của chính NHNN tái cấp vốn theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tái cấp vốn dựa trên cơ chế vay - trả, không có chính sách đặc biệt về miễn, giảm lãi suất.

Đối với các khoản tái cấp vốn của NHNN, trường hợp xấu nhất thì NHNN vẫn được ưu tiên trả nợ trước các chủ nợ khác.

 

Thục Anh