Sau 2 ngày liên tiếp phá giá, sáng nay, 13/8, thêm một lần nữa Ngân hàng trung ương Trung Quốc phá giá nhân dân tệ thêm 1,1% từ 6,3306 nhân dân tệ/USD xuống 6,4010 nhân dân tệ/USD.
Trước động thái của Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước không chỉ hoang mang xuất khẩu sang Trung Quốc bất lợi mà còn lo lắng hàng hóa Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Vinanet đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR về vấn đề này.
Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ trong những ngày vừa qua, ông bình luận gì về động thái này của Trung Quốc?
TS Phạm Sỹ Thành: Động thái phá giá phát đi thông điệp về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc trước sức ép cả từ bên trong cũng như áp lực bên ngoài.
Áp lực bên trong đầu tiên là nửa đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc đối diện với nhiều khó khăn, tăng trưởng không khả quan, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu giảm mạnh.
Thứ hai, Trung Quốc "bơm" cả nghìn tỷ nhân dân tệ nhằm giải cứu thị trường chứng khoản nửa đầu năm tạo nên áp lực tỷ giá danh nghĩa của đồng nhân dân tệ.
Thứ ba, việc phá giá sẽ làm gia tăng chi phí rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc. Chính điều này đã khiến các nền kinh tế mới nổi đau đầu.
Bên cạnh sức ép từ trong, Trung Quốc còn chịu 2 áp lực bên ngoài chính là triển vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Tín hiệu này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng để tỷ giá biến động theo biên độ thị trường. Trước khi điều chỉnh biên độ, tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ tại Trung Quốc và đồng nhân dân tệ tại nước ngoài chênh nhau khoảng 28%. Việc điều chỉnh mạnh như vậy thu hẹp độ chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường.
Ngoài ra, từ năm 2008, đồng nhân dân tệ đã neo vào USD, trong bối cảnh USD tăng lên không có lý do gì để nhân dân tệ duy trì cao như thời gian vừa qua.
Bức tranh Trung Quốc thực sự đang có vấn đề và cách điều hành như thế nào đang là dấu hỏi lớn cho những người quan tâm đến quá trình cải cách nên kinh tế của Trung Quốc.
Thưa ông, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ chịu những tác động gì khi Trung Quốc phá giá nội tệ?
TS Phạm Sỹ Thành: Chắc chắn triển vọng tương lai kinh tế toàn cầu sẽ kém khởi sắc hơn từ giờ đến cuối năm 2015.
Đặc biệt, đối với Việt Nam, tác động tiêu cực nhất chính là nguy cơ tạo ra làn sóng nhập khẩu mới, trong đó nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh. Chiều ngược lại, xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Không chỉ vậy, Việt Nam đồng đang bị neo vào đô la Mỹ với tỷ giá cao thì trước tác động của nhân dân tệ, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU dự đoán sẽ giảm theo.
Thưa ông, ngoài những hưởng lợi từ việc phá giá nhân dân tệ, Trung Quốc sẽ gặp phải những hệ quả gì trong thời gian tới?
TS Phạm Sỹ Thành: Biện pháp phá giá nhân dân tệ mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra chỉ mang tính chất tình thế. Thực tế, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục dựa vào xuất khẩu, dựa vào đầu tư để có tăng trưởng. Với tham vọng cải cách nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành kinh tế, nâng cấp ngành công nghiệp Trung Quốc thì phá giá sẽ tạo ra quán tính không tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.
|
Theo TS Phạm Sỹ Thành, NHNN cần nới room tỷ giá 4% mới tháo được khó khăn cho doanh nghiệp (Nguồn: Internet) |
Để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên động tỷ giá từ 1% lên 2%. Theo ông, mức điều chỉnh biên độ này đã phù hợp với tình hình hiện tại chưa?
TS Phạm Sỹ Thành: So với thị trường Châu Á như Hàn Quốc, Philippines, Singapore thì họ điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn Việt Nam rất nhiều.
Quan điểm của tôi, với mức điều chỉnh biên độ như vậy là tương đối thận trọng. Vì Trung Quốc phá giá 3,5%, muốn trung hòa được tiêu cực, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh trên 4% mới có thể bù đắp được những bất lợi từ tỷ giá trong thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước không nên áp dụng một cách hành chính về điều chỉnh tỷ giá. Chẳng hạn, trong năm nay chỉ được điều chỉnh 2% thì từ giờ đến cuối năm không nới thêm nữa là không đúng. Tùy vào tình hình biến động tỷ giá trên thế giới nên có mức thay đổi làm sao cho phù hợp.
Ngoài điều chỉnh tỷ giá, theo ông đâu là biện pháp để doanh nghiệp bảo vệ mình?
TS Phạm Sỹ Thành: Thực ra cũng có nhưng khó làm được. Chẳng hạn như áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước chỉ tiến hành được đối với hàng nông sản, dệt may, gia công. Còn máy móc, thiết bị điện tử, mặt hàng nhập khẩu mạnh nhất từ Trung Quốc vẫn phải nhập vì phụ thuộc vào tổng thầu và doanh nghiệp FDI.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng gia công chế biến sẽ được hưởng lợi lớn vì đầu nhập khẩu từ Trung Quốc vào chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, cũng gây áp lực phải đổi mới năng lực cạnh tranh, công nghệ để gia nhập vào nấc thang cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
Kiều Linh - Vũ Nguyệt