- Trước khi Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, rất nhiều chuyên gia tài chính ở Việt Nam dự báo về khả năng tăng. Ông có bình luận gì về điều này?

- Những diễn biến của thị trường tài chính là hết sức bất ngờ. Sự kiện đáng lưu ý thời gian gần đây là tại thị trường chứng khoán New York, trong nửa tiếng đầu của một phiên giao dịch, chỉ số Down Jones mất hơn 1.000 điểm. Đây hẳn là điều mà FED rất quan tâm. Biến động này cho thấy, có cái gì đó chưa thực sự vững chắc trong phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Thông thường, FED đưa ra quyết định về lãi suất dựa vào các biến số vĩ mô chủ yếu như tăng trưởng kinh tế, lạm phát và chỉ số thất nghiệp. Ba chỉ số đó nhìn chung đều tốt nhưng khả năng tạo việc làm mới công bố vào 4/9 lại thấp hơn tháng 6-7-8. Đây cũng là một yếu tố khác cần phải tính tới.

Ngoài ra, khi thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế nổi tiếng trên thế giới, những chuyên gia về thị trường tài chính quốc tế thì khả năng tăng hoặc giữ nguyên là 50/50.

Vì thế, tôi cho rằng không nên quá băn khoăn về việc vì sao như thế (dự báo về khả năng tăng nhưng FED lại giữ nguyên –PV). Điều quan trọng là chúng ta học được điều gì sau quyết định này.

- Theo ông, bài học là gì?

- Trong cuộc hop báo diễn ra rạng sáng nay theo giờ Việt Nam (khoảng 2h sáng), bà Janet Yellen – Chủ tịch FED cho biết, xu hướng tăng lãi suất là quan trọng còn thời điểm có thể diễn ra vào tháng 10 hoặc 11 sắp tới.

Ở động thái không tăng lãi suất, chúng ta có thể thấy được tính cẩn trọng trong việc làm chính sách của Mỹ như thế nào. Để đưa ra quyết định, các biến số kinh tế quan trọng đã được lập trình sẵn nhưng đồng thời họ cũng tính tới những tác động của từng khoảnh khắc trên thị trường. Tất cả những yếu tố đó liên kết lại với nhau, tạo ra tham chiếu hỗn hợp cho người làm chính sách đưa ra quyết định cuối cùng. Đây là điều cần tham khảo và học hỏi.

- Trước đây khi điều chỉnh tỷ giá lần thứ 2 liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước có đưa ra một lý do là đón đầu khả năng FED tăng lãi suất. Giờ FED không tăng lãi suất, tỷ giá đồng Việt Nam sẽ biến động ra sao?

- Tỷ giá là một hàm số chứa rất nhiều biến. Sự kiện FED có khả năng tăng lãi suất là một nhân tố cần tính toán. Tuy nhiên, người làm chính sách về tỷ giá của Việt Nam không chỉ có biến số liên quan đến FED. Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng là một biến số cần tính tới. Trong mặt bằng chung về biến động tỷ giá của thế giới, bài toán hạn chế nhập siêu, khuyến khích xuất khẩu cũng là những nhân tố lớn cần đặt lên bàn cân.

Còn việc trước đây Ngân hàng Nhà nước nói rằng mở biên độ, tăng tỷ giá liên ngân hàng để đón đầu khả năng FED tăng lãi suất nhưng nó chưa xảy ra thì cũng không đảo ngược yếu tố tâm lý và xu thế trên thị trường. Có chăng chỉ là một tiếng thở phào nhẹ nhõm, kiểu: “À, FED vẫn rất thận trọng vì có vẻ như kinh tế Mỹ chưa phục hồi bền vững”. Tâm lý thị trường cũng chỉ như vậy thôi.

- Diễn biến về lãi suất cơ bản của Mỹ không giống với dự đoán trước đó của các chuyên gia Việt Nam, vậy thị trường tài chính trong nước sẽ chịu tác động thế nào?

- Với dòng vốn vào Việt Nam thì việc FED giữ nguyên hay tăng 0,25% cũng không tác động nhiều lắm vì điều kiện đặc thù. Kinh tế Việt Nam cần sử dụng vốn rất nhiều cho tăng trưởng, nên dòng chảy về vốn từ nước ngoài vào Việt Nam mang tính lợi thế hơn là bị tổn thương, rủi ro từ biến động lãi suất của đồng đôla Mỹ.

Lãi suất đồng Việt Nam cao hơn rất nhiều lần so với đôla Mỹ. Dù có biến động về tỷ giá nhưng nhìn chung đồng Việt Nam vẫn ổn định trong cả năm. Thứ hai, lạm phát của chúng ta đang ở mức rất thấp (dự kiến từ 1-1,5% cho cả năm), trong khi tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi (6-6,5%). Thứ ba, kinh tế  vĩ mô đã ổn định. Những nhân tố này tạo ra một bức tranh tổng thể tương đối sáng và vững chắc để có thể dự báo về những triển vọng tích cực vào cuối năm bất kể FED có tăng lãi suất hay không.

Còn về quy luật, khi lãi suất tăng thì thị trường chứng khoán đi xuống. Vì dự báo FED tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đều giảm giá rất lớn. Khi FED không tăng lãi suất thì tác động sẽ tích cực hơn.

Với Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng có chịu tác động từ Mỹ nhưng nhìn chung giá cổ phiếu bị ảnh hưởng của các yếu tố mang tính nội tại nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng nếu khoanh lại các yếu tố, chỉ bàn riêng lẻ việc FED chưa tăng lãi suất thì đó là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Hoàng Ly
Zing

Nguồn: Zing