Trung Quốc đã gây ra cú sốc trên thị trường tài chính toàn cầu khi phá giá đồng nhân dân tệ hai ngày liên tiếp với tổng mức điều chỉnh gần 4% so với đô la Mỹ. Động thái này càng trở thành tâm điểm của giới đầu tư và đầu cơ quốc tế khi Trung Quốc đã giữ ổn định giá trị đồng nội tệ suốt hai thập kỷ qua và sự phá giá diễn ra ngay trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào tháng 9-2015 để quyết định liệu có nâng lãi suất đồng đô la.

Đáng nói hơn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn để ngỏ khả năng điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ. Sự mập mờ của họ trong tương lai gần như vậy chỉ càng gây ra nghi ngờ và cuộc “chiến tranh tiền tệ” là chuyện khó tránh khỏi.

Ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng biên độ tỷ giá từ ±1% lên ±2% và mức trần cho tỷ giá hối đoái áp dụng từ ngày 12-8-2015 là 22.106 đồng/đô la Mỹ. Tỷ giá giữa tiền đồng và các ngoại tệ mạnh cũng được các tổ chức tín dụng điều chỉnh tương ứng, theo đó tiền đồng mất giá thêm 1% so với bảng Anh, yen Nhật, đô la Canada, Úc, Singapore, euro... 

 

Hai tuần trước khi điều chỉnh biên độ, NHNN tiếp tục bán ra ngoại tệ. Mức bán ra của tuần trước khoảng hơn nửa tỉ đô la Mỹ, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và can thiệp làm dịu áp lực cung cầu có biểu hiện đang nghiêng về cầu.

 

Cho đến nay, theo tính toán của một số ngân hàng, việc giữ tiền đồng và swap (hợp đồng hoán đổi tiền tệ) ngoại tệ vẫn có lợi do chi phí swap khoảng 3,3-3,5%/năm, tương đương chừng 0,3%/tháng. Giả sử tỷ giá sẽ được điều chỉnh thêm 1% vào tháng 1-2016, thì chi phí để swap đô la Mỹ cho bốn tháng còn lại của năm từ tháng 9 đến hết tháng 12, là 1,2%. Trong khi lãi suất tiền đồng cho kỳ hạn bốn tháng thấp nhất cũng 5%/năm.


Đấy là phép tính đơn thuần dựa trên một nền tảng không có rủi ro. Và nếu căn cứ theo đó, mua ngoại tệ càng trễ chi phí càng rẻ. Tuy nhiên rủi ro luôn hiện hữu và rủi ro lớn nhất là khả năng không mua được ngoại tệ. Khả năng mua được ngoại tệ hay không và nếu mua được, thì mua đến đâu, phụ thuộc vào hai yếu tố.

Thứ nhất nhu cầu ngoại tệ đến từ các đối tượng nào? Các tổ chức tín dụng hiện nay đang âm trạng thái ngoại hối. Trên thực tế, kể từ quí 2-2015 trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thường xuyên âm, lúc thấp khoảng 500-600 triệu đô la Mỹ, lúc cao có thể tới 1,5-1,8 tỉ đô la Mỹ. Nhu cầu mua ngoại tệ để bù đắp trạng thái, như vậy, luôn thường trực và mức mua có thể tới cả tỉ đô la Mỹ.

Các doanh nghiệp vay ngoại tệ đang tìm cách để trả. Thường khoản vay ngoại tệ có kỳ hạn 6, 9 hoặc 12 tháng. Các khoản vay kỳ hạn 9 tháng sẽ đáo hạn vào tháng 9 tới đây, còn vay một năm sẽ đáo hạn vào tháng 12-2015. Sở dĩ doanh nghiệp vay ngoại tệ là do kỳ vọng tỷ giá ổn định, đồng thời lãi suất vay đô la Mỹ thấp hơn lãi suất vay tiền đồng. Một tổ chức tín dụng dự đoán số lượng ngoại tệ doanh nghiệp vay có thể lên tới 2 tỉ đô la Mỹ và không thấp hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Nhu cầu trả nợ sẽ trở thành cấp bách vào những tháng cuối năm.

Kế đó phải tính đến các doanh nghiệp đã bán khống ngoại tệ lấy tiền đồng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất đô la Mỹ - tiền đồng. Hoạt động này cũng không khác bao nhiêu việc để trạng thái ngoại hối âm của các ngân hàng. Số lượng ngoại tệ bán khống rất khó đong đếm, nhưng có thể không nhỏ bởi NHNN vẫn tiếp tục mua được ngoại tệ để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối thêm 1 tỉ đô la Mỹ, từ mức đỉnh 36 tỉ đô la Mỹ năm ngoái lên 37 tỉ đô la Mỹ cuối tháng 7-2015. Một phần mua vào của NHNN có thể xuất phát từ nguồn bán khống trên.

Nặng nhất ở phía cầu ngoại tệ chính là nhập siêu. NHNN có lẽ đã không thở phào, nhưng ít nhất đã không cảm thấy quá căng thẳng khi mức nhập siêu bảy tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố 3,5 tỉ đô la Mỹ. Liệu năm tháng còn lại của năm nhập siêu dự kiến bao nhiêu? Không ai có thể biết chính xác. Trong trường hợp lạc quan, một số chuyên gia kinh tế dự đoán 2-4 tỉ đô la Mỹ.

Bỏ qua yếu tố đầu cơ tuy điều này tương đối khó khăn vì ngân hàng, doanh nghiệp, người dân đều nhìn thấy rõ sự lên giá của đô la Mỹ so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới và giá hàng hóa nguyên liệu lao dốc thảm hại. Đồng rúp Nga dường như đang “ngã ngựa” khi ngày 12-8-2015 đã ở mức 64,2 rúp ăn 1 đô la Mỹ, đã khá gần mốc lịch sử 70 rúp đổi 1 đô la Mỹ của tháng 4-2015. Đồng đô la Canada sụt mạnh về 1,327 CAD đổi 1 đô la Mỹ, thấp nhất trong vòng 11 năm. Ở khu vực, đồng baht Thái Lan, ringgit Malaysia và rupiah Indonesia mất giá khá nhiều so với đô la Mỹ. Tổng hợp lại cầu ngoại tệ có thể không thấp hơn 6-7 tỉ đô la Mỹ từ nay đến cuối năm.

NHNN khẳng định cán cân tổng thể vẫn thặng dư nhờ các nguồn cung từ kiều hối (kiều hối năm nay có thể đạt 13-14 tỉ đô la Mỹ theo cơ quan quản lý ngành ngân hàng), vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, vốn ODA, vay nợ...

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến tỷ giá hay khả năng mua được ngoại tệ của các đối tượng có nhu cầu là liệu NHNN sẽ bán ra thêm bao nhiêu nữa để can thiệp. Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trích nguồn từ NHNN cho biết cơ quan quản lý đủ sức “tung ra” thị trường 5-6 tỉ đô la Mỹ nếu cần. Việc bán ra ngoại tệ gần đây cho thấy rõ ràng NHNN “chịu chơi” và sẵn sàng vào cuộc! Chỉ có điều quỹ dự trữ ngoại hối không phải “nồi cơm Thạch Sanh” và khi sử dụng một lượng ngoại tệ lớn để can thiệp, diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào.

 

Việc điều chỉnh tỷ giá ngày 12-8 là tích cực xét trên bình diện các yếu tố trong nước. Liệu tỷ giá có điều chỉnh thêm và mức độ đến đâu giờ đây phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài, mà chúng ta không thể chi phối. Thị trường bên ngoài càng phức tạp, càng đòi hỏi sự chủ động để dẫn dắt thị trường từ phía cơ quan điều hành, quản lý tỷ giá.

 

 

 

Ngân hàng đồng loạt tăng tỷ giá lên 22.100 đồng/đô la Mỹ

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho nới rộng biên độ tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ từ mức ±1% hiện nay lên ±2%, các ngân hàng trong nước sáng 12-8, đã điều chỉnh tỷ giá niêm yết lên 22.100 đồng/đô la Mỹ.

Trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ được chào bán vào gần trưa hôm qua ở mức 22.060 đồng/đô la Mỹ và chào mua ở mức 21.970 đồng/đô la Mỹ.


Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, việc NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ là quyết định đúng, phù hợp với những biến chuyển của kinh tế quốc tế và tình hình kinh tế trong nước.

Cụ thể, giá đô la Mỹ đã tăng mạnh, với chỉ số dollar index (chỉ số dùng để đo sức mạnh của đô la Mỹ với 6 đồng tiền chủ chốt khác) hiện nay đạt 97 điểm, tăng so với mức 93-94 trong thời gian cách đây hai đến ba tháng. Ngoài ra, hiện Việt Nam nhập siêu cao từ Trung Quốc, do đó việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ gây áp lực lên cán cân thương mại giữa hai nước, có thể khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc càng cao.

Thêm vào đó, hiện xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chậm lại, và mức nhập siêu bảy tháng đầu năm lên 3,5 tỉ đô la Mỹ, lạm phát trong nước hiện ở mức thấp. Do đó, theo ông Ngân, những diễn biến này cho phép NHNN có những điều chỉnh linh hoạt.

Một số ngân hàng cho rằng động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá của NHNN là kịp thời, nhưng xét trong tình hình hiện nay, NHNN có thể mạnh dạn đưa ra mức điều chỉnh lớn hơn để giảm áp lực cầu ngoại tệ.
Tổng giám đốc một ngân hàng nói với TBKTSG: “Đây là giải pháp kịp thời của NHNN giúp thị trường bớt căng thẳng, song sự điều chỉnh còn khá hẹp so với kỳ vọng của chúng tôi. Thậm chí tôi cho rằng nếu tình hình diễn tiến không mong muốn và vì lợi ích của đất nước, có thể điều chỉnh tỷ giá cao hơn 2% trong năm nay cũng là hợp lý. Mặc dù NHNN có hứa rằng không điều chỉnh tỷ giá quá 2% song quản trị tỷ giá cần linh hoạt, kịp thời căn cứ theo thị trường”.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại khác nói rằng điều chỉnh biên độ 1% không khác gì điều chỉnh tỷ giá song không đủ.

Một số ngân hàng khác tại TPHCM cho biết từ hôm 11-8 họ đã gửi đơn mua ngoại tệ lên NHNN song chưa được giải quyết.

 

 

 

 

Theo Hải Lý

TBKTSG

Nguồn: TBKTSG