Sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là 30%. Tại Vietinbank, room nhà đầu tư nước ngoài hiện lại chỉ còn 0,47%. Hai cổ đông nước ngoài của VietinBank là The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu 19,73%, 2 đơn vị thuộc IFC giữ 8,02%.

BVSC cho rằng điều này khó có thể được thực hiện trong vòng 1-2 năm tới khi việc nới room đối với ngành ngân hàng có tính nhạy cảm cao, có thể ảnh hưởng đến an ninh ngành.

VietinBank cũng tái khẳng định kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 37.234 tỷ VND lên mức 49.000 tỷ VNĐ trong năm 2015. Việc tăng vốn điều lệ thêm 12.000 tỷ VND này sẽ đến từ 2 nguồn (1) 3.000 tỷ VNĐ từ việc sáp nhập với PGBank sẽ được hoàn tất tại 30/9/2015 và (2) 8.975 tỷ VND từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Điều này sẽ khiến EPS của VietinBank giảm mạnh khoảng 32% trong 2015.

VietinBank đặt mục tiêu sẽ hoàn tất áp dụng tính toán vốn theo các tiêu chuẩn cơ bản và đến hết năm 2017, Ngân hàng sẽ áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel II trong quản trị và quản trị rủi ro.

Hiện tại, VietinBank đã tính toán vốn theo tiêu chuẩn cơ bản của Basel II và điều này dự kiến sẽ làm giảm CAR khoảng 1%. Để khắc phục điều này, VietinBank dự kiến đa dạng hóa vốn tự có, trong đó tăng trái phiếu thứ cấp và giảm áp lực tăng vốn điều lệ. Năm 2015, VietinBank có kế hoạch phát hành 8.000 tỷ VND trái phiếu thứ cấp và đã phát hành được 4.500 tỷ VND tính đến 30/6/2015.

Về tình hình chất lượng tài sản, VietinBank hướng đến việc quản lý tổng số nợ xấu, bao gồm cả nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 và dư nợ đã bán cho VAMC, ở mức dưới 2%.

Tính đến 30/6/2015, nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của VietinBank là 6.977 tỷ VND. Nợ mà VietinBank đã bán cho VAMC theo như BVSC ước tính là khoảng 7.500 tỷ VNĐ. Như vậy, tổng số nợ xấu củaVietinBank hiện tại ở mức khoảng trên 3%.

BVSC cho rằng áp lực xử lý nợ xấu cũng như trích lập dự phòng của VietinBank trong năm tới vẫn còn khá lớn.
 

Thục Anh